Cùng dự có Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
Biểu dương những nỗ lực của các thành viên BCĐ, đồng thời đánh giá cao kết quả công tác thông tin đối ngoại, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nêu lên 8 kết quả nổi bật về công tác thông tin đối ngoại năm 2017.
Đó là kiện toàn BCĐ, trực tiếp Thường trực Thành ủy làm TBCĐ. Ban hành quy chế hoạt động, xây dựng kế hoạch bài bản. Củng cố hệ thống người phát ngôn từ TP đến cơ sở, duy trì giao ban định kỳ, có hệ thống thông tin thông suốt. Công tác thông tin đối ngoại có bước phát triển tiến bộ, nhận thức về tầm quan trọng của thông tin đối ngoại được nâng lên, sự phối hợp giữa các cơ quan đã phát huy hiệu quả trong việc cung cấp, định hướng thông tin, với nhiều nội dung, hình thức phong phú.
Công tác quản lý báo chí thông tin đối ngoại cả trong và ngoài nước làm tốt hơn. Mối quan hệ giữa BCĐ TP với T.Ư, giữa các sở, ngành TP với T.Ư kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Các thành viên BCĐ, các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều hoạt động thông tin đối ngoại hiệu quả, sắc bén. Các cơ quan chức năng TP đã chủ động, kiên quyết đấu tranh với các luận điệu thù địch, góp phần xây dựng Hà Nội an toàn, thân thiện.
Thông qua các hoạt động xúc tiến, quảng bá góp phần thúc đẩy TTĐN, thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô. Phối hợp với mạng tin tức truyền hình cáp CNN tuyên truyền, quảng bá về Hà Nội bước đầu phát huy hiệu quả. Chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành T.Ư tổ chức thành công các sự kiện chính trị, văn hoá của đất nước, góp phần quảng bá, nâng cao vị thế của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.
Tuy nhiên, theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, một số đơn vị vẫn chưa nhận thức rõ yêu cầu, đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh Thủ đô, đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Nội dung tuyên truyền, thông tin đối ngoại chưa phong phú, chất lượng còn có mức độ. Việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, ấn phẩm thông tin đối ngoại còn lạc hậu. Đặc biệt, một số thông tin trên báo chí còn phản cảm; một số vấn đề phức tạp nảy sinh xử lý còn chậm, lúng túng; định hướng về thông tin chưa phát huy hết tiềm năng của lực lượng trên địa bàn.
Cho rằng, năm 2018, yêu cầu nhiệm vụ về công tác thông tin đối ngoại cao hơn năm trước, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục tăng cường nhận thức, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin đối ngoại, gắn chặt chẽ với các hoạt động của TP, từ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ANQP, đối ngoại. Làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ làm công tác thông tin đối ngoại, sinh viên các trường ĐH, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình quốc tế, trong nước và Thủ đô. Duy trì, củng cố chặt chẽ sự phối hợp với các kênh thông tin đối ngoại quốc gia. Đẩy mạnh hợp tác với các kênh quốc tế đã ký kết, làm tốt công tác định hướng tuyên truyền.
Các cơ quan báo chí TP đổi mới, đa dạng hình thức, phương thức tuyên truyền, tăng cường thông tin. “Đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông đặt hàng, ký kết chương trình với các cơ quan báo chí TP”. Sở Thông tin & Truyền thông xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu sử dụng chung để quảng bá về Thủ đô. Giao Sở Du lịch phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại xây dựng các ấn phẩm, quà tặng đặc trưng cho Thủ đô. “Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, các đơn vị văn hoá nghệ thuật tổ chức tốt các hoạt động chính trị, văn hoá diễn ra trên địa bàn. Làm tốt các hoạt động này đồng nghĩa với việc quảng bá hình ảnh Thủ đô nhân lên gấp nhiều lần…”, Trưởng Ban Chỉ đạo chỉ rõ.
Nhấn mạnh về công tác thông tin đối ngoại, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cho rằng, ngoài việc quản lý, cũng cần xây dựng các sản phẩm truyền thông để phản bác lại các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch. “Tới đây, cần xây dựng ấn phẩm thông tin đối ngoại, quảng bá giới thiệu về Thủ đô một cách gọn nhẹ nhất để gửi cho các đoàn ra”, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, công tác thông tin đối ngoại phối hợp giữa các đơn vị có chuyển biến tích cực hơn, nhưng mới chỉ là những việc liên quan đến chính trị, gấp gáp, còn những việc thường lệ vẫn còn chậm.
“Năm 2018, tất cả các hoạt động liên quan đến đối ngoại phải tăng cường phối hợp, trao đổi, chủ động hơn nữa, nhất là Sở Ngoại vụ. Nâng cao trang tiếng Anh và truyền hình bằng tiếng nước ngoài của Đài PTTH Hà Nội. Các đơn vị cũng cần tăng cường quảng bá, thông tin trên mạng như Youtube… Các hoạt động sắp tới dứt khoát phải quan tâm đến truyền thông, đặc biệt là các kênh thông tin đối ngoại”, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy lưu ý.
Theo báo cáo đánh giá của BCĐ năm 2017, công tác thông tin đối ngoại từng bước có những bước phát triển tiến bộ. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, kêu gọi đẩu tư, trao đổi, gặp gỡ các đoàn quốc tế đến thăm, làm việc với Hà Nội và các đoàn của TP thăm, làm việc tại các nước, đã góp phần quan trọng thúc đẩy các hoạt động thông tin đối ngoại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Kết quả 10 tháng năm 2017, Hà Nội đã thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) được 2,234 tỷ USD.
Các báo, đài, bản tin TP đã bám sát chỉ đạo của BCĐ chủ động thông tin, tuyên truyền đầy đủ và hiệu quả các sự kiện, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam cũng như nâng cao vị thế, uy tín của Thủ đô và đất nước trên trường quốc tế.
Tại hội nghị, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà cho biết, thời gian qua, báo Kinh tế & Đô thị luôn đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức hoạt động thông tin, tuyên truyền đối ngoại trên các ấn phẩm. “Đặc biệt, trên trang tin điện tử tiếng Anh Hanoitimes - Kênh thông tin đối ngoại chủ lực của TP đã cung cấp kịp thời, chính xác chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và của TP về đầu tư, kinh doanh, thông tin thị trường... Trong năm 2017, báo đã đăng tải hơn 40 video clip bằng tiếng Anh quảng bá về tiềm năng kinh tế, du lịch, nét đặc sắc văn hóa của Thủ đô và đất nước...”, Phó Tổng biên tập báo Kinh tế & Đô thị thông tin.