Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề Ngọc Mỹ tìm hướng đi mới

Kim Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối diện với những khó khăn do dịch Covid-19, các hộ sản xuất làng nghề ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai đã nhanh nhạy chuyển đổi để ứng phó với dịch.

Nghề làm nón xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai).
Ngọc Mỹ là xã có thế mạnh về làm nghề truyền thống, với 2 nghề là làm nón và nghề đục, chạm gỗ cao cấp. Sự phát triển của làng nghề trong thời gian qua đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong Nhân dân. Theo báo cáo kinh tế - xã hội của UBND xã Ngọc Mỹ năm 2020, thu nhập từ tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt 185,22 tỷ đồng, chiếm 34,3% tổng giá trị thu nhập trên toàn xã. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động của làng nghề gặp không ít khó khăn. “Khi dịch bùng phát, nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng khan hiếm hơn do các vùng nguyên liệu dừng khai thác. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm cũng bị tắc, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, các đơn hàng bị hoãn, khách hàng mua cũng ít đi, hàng sản xuất ra không bán được” - chị Lê Thị Lang, hộ làm nón lá thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ bộc bạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngọc Mỹ Nguyễn Văn Việt cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hội Nông dân xã cùng với chi, tổ hội nghề nghiệp tổ chức họp tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh và thảo luận tìm hướng đi cho sản phẩm. Theo đó, trong thời điểm làng nghề sản xuất bị đình trệ do dịch bệnh, những người thợ trở nên năng động hơn, tìm tòi ứng dụng công nghệ cải tiến mẫu mã, xây dựng hướng phát triển thị trường. Nhiều cơ sở sản xuất tại làng nghề đã chủ động chuyển sang giới thiệu và bán hàng online, tìm kiếm thị trường, đối tác trên không gian mạng. Ngoài ra, các cơ sở cũng tập trung đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ và đầu tư sáng tác các mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thời điểm này, hoạt động của làng nghề đã duy trì ổn định. Tuy nhiên, để việc kinh doanh thuận lợi, tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, Chủ tịch Hội Làng nghề truyền thống đục, chạm gỗ cao cấp và mộc dân dụng thôn Ngọc Than Đỗ Đình Thường kiến nghị các cấp, ngành cần tiếp tục đề ra các giải pháp hỗ trợ thiết thực hơn giúp các hộ sản xuất, DN vượt qua khó khăn. Bên cạnh chính sách giảm lãi suất vay vốn và giãn nợ đối với các khoản vay, cần tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả giải pháp kích thích tiêu dùng nội địa.