Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Làng nghề vượt khó

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từng bước khắc phục những khó khăn do tác động của dịch Covid-19, các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đang nỗ lực thích nghi với tình hình mới, đẩy mạnh sản xuất.

Bắt nhịp từ đầu năm
Có mặt tại làng nghề bánh đa nem Ngự Câu (huyện Hoài Đức), các cơ sở sản xuất đang khẩn trương hoàn thiện đơn hàng giao cho khách. Anh Nguyễn Duy Nam – chủ một cơ sở cho biết, dịp cuối năm, lượng hàng sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu nên ra Giêng phải bắt nhịp ngay để lấy hàng trả cho khách. Hiện cả làng nghề Ngự Câu có 16 hộ làm nghề, tất cả đều khai máy từ mùng 6 tháng Giêng. Theo anh Nam, mặc dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn rất cao. “Hiện nay, mỗi ngày gia đình tôi làm 5 tạ gạo, tương đương với 3,5 tạ bánh thành phẩm” – anh Nam chia sẻ.

Tương tự, tại làng nghề mộc Vạn Điểm (huyện Thường Tín), các cơ sở cũng sớm bắt nhịp lại sản xuất. Anh Trần Văn Hoàng – chủ cơ sở Hải Xuân cho hay, đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, toàn bộ các cơ sở sản xuất trong làng nghề đều dừng hoạt động, rơi vào cảnh lao đao.
 Làng nghề mây tre đan Phú Vinh chủ động khai thác thị trường nội địa. Ảnh: Phương Nga
"Tuy nhiên, hiện giờ chúng tôi đã bình tĩnh hơn, chủ động có các phương án sản xuất trong tình hình mới. Thay vì chỉ bán hàng trực tiếp như trước, chúng tôi bắt đầu chú trọng vào bán online. Mặc dù mới đầu năm nhưng lượng khách đặt hàng đã rất đông, trong đó chủ yếu là khách đặt online” – anh Hoàng cho hay.

So với các làng nghề truyền thống khác, những làng nghề có hàng chủ lực xuất khẩu có lẽ là khó khăn nhất, bởi khi dịch bùng phát, hoạt động xuất khẩu gần như bị đóng băng. “Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, làng nghề chủ động chuyển sang khai thác thị trường nội địa. Mặt khác, chủ động thay đổi mẫu mã đơn giản, tinh gọn, nhằm phù hợp hơn với yêu cầu trong kiểm dịch hàng hóa xuất khẩu” - Chủ tịch Hội Làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Văn Trung chia sẻ.

Thay đổi để đón cơ hội

Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết, trước tình hình mới, việc tìm hướng đi phù hợp, hiệu quả, tạo sức bền cho kinh tế làng nghề vượt qua khó khăn là vấn đề đang được đặt ra. Bên cạnh hỗ trợ từ Nhà nước, các làng nghề cần chủ động thay đổi, thích nghi để đón cơ hội. Ngoài việc nâng cao vai trò của thương mại điện tử, nhiều DN, hộ gia đình còn tích cực đổi mới mẫu mã, chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.
“Trước đó, trong một thời gian dài, các làng nghề mải mê tăng sản lượng mà quên xây dựng thương hiệu. Vì vậy, khoảng thời gian này chính là cơ hội để các làng nghề tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững” – ông Dần cho hay.

Nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các làng nghề, theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian tới, TP sẽ tổ chức rà soát, đánh giá lại thực trạng các làng nghề trên địa bàn, phân nhóm ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn. Từ đó xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề trong những năm tiếp theo.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn đầu tư, giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn cho làng nghề. Đồng thời có cơ chế, chính sách về đất đai, xây dựng cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, cải tiến thủ tục giao đất, thuê đất lâu dài để tạo điều kiện cho phát triển của các làng nghề truyền thống khu vực nông thôn.

"Thời điểm này, các nghệ nhân của làng nghề sơn mài Hạ Thái đang tập trung sáng tạo mẫu mới để cho ra nhiều sản phẩm mới, đẹp, tiện ích hơn nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước." - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hạ Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín) Nguyễn Thị Hồi