Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lãng phí vẫn phổ biến

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 19/4, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016. Nhiều yếu kém trong công tác này đã được chỉ rõ.

Tổ chức lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí

Nhìn thẳng vào thực trạng, cùng với kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ ra việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016 vẫn còn tình trạng sử dụng xe công đi lễ hội xảy ra ờ một số cơ quan, đơn vị. Hoạt động tổ chức lễ kỷ niệm của một số ngành, đơn vị, địa phương còn có biểu hiện tăng, vượt quy mô, cấp độ, thời gian tổ chức, mời nhiều khách không đúng quy định, không phù hợp, tổ chức hoạt động phô trương, lãng phí…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đưa ra khá nhiều tồn tại trong việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí. Như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) tuy đã được siết chặt gắn với yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả nhưng có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Năm 2016, thanh tra Bộ Tài chính thực hiện 47 cuộc thanh tra, kiểm tra, đã kiến nghị xử lý tài chính 16.742,5 tỷ đồng, trong đó: Kiến nghị thu nộp NSNN 8.446,4 tỷ đồng; giảm chi NSNN 696,3 tỷ đồng; giảm quyết toán, không thanh toán kinh phí 293,6 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 7.306,2 tỷ đồng. “Năm 2016 nhiều địa phương tổ chức lễ kỷ niệm thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, trong đó tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng đề mua quà tặng dịp thành lập tỉnh. Cùng với đó là việc in ấn các kỷ niệm chương, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua kỷ niệm chương 80 năm ngày truyền thống gây lãng phí và tốn kém trong thời gian qua” - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải chỉ rõ.

Cùng với đó, công tác quản lý các dự án đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT còn nhiều vướng mắc, hạn chế, nhiều sai phạm trong thời gian qua đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra. Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải dẫn chứng: 11/27 dự án còn chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng, một số dự án lớn tăng tổng mức đầu tư ban đầu lên 100%, nhiều dự án trong 27 dự án BOT được kiểm toán phải rút ngắn từ 5 - 7 năm thu phí, tổng cộng tất cả các dự án phải giảm hơn 100 năm thu phí, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi phí vốn đầu tư của các dự án là 4.500 tỷ đồng…

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ phải xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kỷ luật nghiêm đơn vị, cá nhân sai phạm, gây thất thoát, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, xe công, sử dụng NSNN sai mục đích, chi tiếp khách, khánh thành, khởi công, tham quan.

Thống nhất với quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, qua báo cáo có thể thấy nhiều tiến bộ hơn so với các năm trước, nhưng lãng phí vẫn còn khá phổ biến trong cơ quan Nhà nước, xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ đề ra 10 nhiệm vụ giải pháp trong năm 2017 nhưng phải chú ý tính khả thi. “Như nói tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng có xử lý dứt điểm trong năm nay được hay không, vì hiện còn nhiều (theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, số nợ đọng xây dựng cơ bản của Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới là 15.218,9 tỷ đồng), nhiều nơi còn nợ thuế. Chúng ta có quản lý được các địa phương, bộ, ngành tổ chức quá nhiều lễ kỷ niệm mà lại dùng NSNN, hoặc huy động DN, xã hội hóa cũng đều là lãng phí nguồn lực quốc gia, xã hội, cho nên cần chú ý” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, Chính phủ đề ra giải pháp thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 39 của Bộ chính trị về tinh giản biên chế, nhưng cũng cần nhấn mạnh đến đạo đức cán bộ, công chức, tinh thần phục vụ DN, người dân như thế nào để không làm lãng phí thời giờ, tránh gây phiền toái cho dân.

Ngày 19/4, UBTV Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về việc thành lập các phường Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh thuộc thị xã Sầm Sơn và thành lập TP Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa.