Lãnh đạo MTTQ TP thăm, tặng quà người có công tại huyện Thường Tín, Gia Lâm

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2023), chiều nay, 24/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung thay mặt Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã đến thăm, tặng quà người có công tại huyện Thường Tín, huyện Gia Lâm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn thị Kim Dung thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Maria Nguyễn Thị Hoàn (huyện Thường Tín)
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội Nguyễn thị Kim Dung thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Maria Nguyễn Thị Hoàn (huyện Thường Tín)

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đến nhà riêng thăm, tặng quà bà Maria Nguyễn Thị Hoàn, là Mẹ Việt Nam Anh hùng, 101 tuổi, tại xã giáo sứ Kẻ Nghệ, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, có con độc nhất là liệt sỹ. Tiếp đó, thăm, tặng quà Thượng tọa Thích Thanh Quy, gia đình liệt sỹ, Trụ trì chùa Đào Xuyên, thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

Tại buổi thăm, tặng quà, bà Nguyễn Thị Kim Dung đã bày tỏ chia sẻ với những mất mát và tri ân sự hy sinh của Mẹ Nguyễn Thị Hoàn đối với đất nước, để có được độc lập tự do ngày hôm nay. Đồng thời, ân cần thăm hỏi sức khỏe, động viên Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hoàn, mong mẹ sống mạnh khỏe, trường thọ.

Đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội trao tặng quà Thượng tọa Thích Thanh Quy - gia đình liệt sỹ tại huyện Gia Lâm
Đoàn công tác của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội trao tặng quà Thượng tọa Thích Thanh Quy - gia đình liệt sỹ tại huyện Gia Lâm

Trân trọng những đóng góp của gia đình Thượng tọa Thích Thanh Quy đối với cách mạng và dân tộc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng mong muốn Thượng tọa tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình, truyền thống cách mạng của Tổ đình, trong đó có 2 nhà sư đã “Xả bỏ cà sa khoác chiến bào”, đã được truy tặng Liệt sỹ; tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho các hoạt động của địa phương.

Thời chiến tranh, chùa Đào Xuyên là cơ sở cách mạng, nơi tổ chức nhiều cuộc họp của Đảng và là trạm tiếp nhận, phân phối báo Độc lập. Thời kỳ 1946-1954, chùa cũng là cơ quan bí mật của Huyện ủy Gia Lâm, nơi đào tạo nhiều cán bộ cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Trong thời kì chống Mỹ cứu nước, chùa trở thành trạm chỉ huy của Bộ Chỉ huy Phòng không không quân.