Trong các ngày từ 10 đến 12/10/2017 vừa qua, trên địa bàn TP liên tiếp hứng chịu những trận mưa lớn làm úng ngập nhiều nơi như huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa... Thậm chí xảy ra tình trạng nước ngập tràn nhiều tuyến bờ bao, sụt lún đoạn đê bao hữu Bùi tại xã Nam Phương Tiến huyện Chương Mỹ. Mưa lũ cũng gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, gia súc của bà con nông dân.
Bí thư Hoàng Trung Hải trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão, khắc phục thiệt hại tại huyện Chương Mỹ. |
Trước tình hình trên, sáng sớm 12/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trực tiếp đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống mưa bão, khắc phục thiệt hại tại huyện Chương Mỹ. Lúc này mưa lũ khiến gần 1.000m đê, một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện bị ngập nặng.
Trực tiếp kiểm tra tình hình và thăm hỏi người dân khu Bùi Xá, thị trấn Xuân Mai, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp, các ngành phải bám sát chặt chẽ tình hình dân cư, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc..."Các cấp, các ngành phải bám sát chặt chẽ tình hình dân cư, nhất là về sức khỏe, tình hình ăn, ở của từng hộ dân, từng thôn, xóm trong vùng ngập lụt; cung cấp đẩy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân; huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, lấy sự an toàn của người dân là ưu tiên số một", Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.Trước đó, ngay trong đêm 11/10, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã đi thị sát, kiểm tra công tác phòng chống lũ trên địa bàn huyện Chương Mỹ.
Sau khi đi kiểm tra công tác di dân đảm bảo an toàn chống lũ dọc tuyến đê sông Bùi, Chủ tịch UBND TP trực tiếp đến điểm xung yếu tại đê Trung Hoàng, xã Thanh Bình động viên các lực lượng và bà con Nhân dân đang ứng trực, đắp đê đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện 7 nội dung ngay trong đêm 11/10, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất đối với Nhân dân.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đi thị sát đê xung yếu tại huyện Chương Mỹ. |
Ngày 16/10, một lần nữa Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung về Chương Mỹ kiểm tra tình hình úng ngập, khắc phục hậu quả thiên tai tại 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến.
Tại đây, bên cạnh ghi nhận nỗ lực phòng chống ngập lụt, đảm bảo an toàn cho Nhân dân, hạn chế thiệt hại của huyện Chương Mỹ, với 8 thôn trên địa bàn còn bị ngập nặng, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở, huyện, ngành liên quan tập trung giải quyết nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là cung cấp nước sạch. Trong đó, yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với huyện đôn đốc các công ty thủy lợi bơm tiêu úng hết công suất.
"Không được để ngập lâu 40 ngày như năm 2008, phải tập trung điện, máy phát phục vụ bơm tiêu nước. Nếu thời tiết ủng hộ cố gắng bơm tiêu hết ngập trong 10 - 15 ngày", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. Về công tác vệ sinh môi trường (VSMT), Chủ tịch UBND TP giao Sở Y tế phối hợp với đơn vị phòng dịch, nước rút đến đâu VSMT đến đó, chuẩn bị thuốc men, phun thuốc khử trùng không để phát sinh dịch bệnh, đồng thời trao tặng 500 thùng nước uống (mỗi thùng 20 lít) và 3 máy lọc nước cho 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến.Chiều 17/10, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã kiểm tra tình hình ngập úng và thăm hỏi, động viên, tặng quà tại huyện Mỹ Đức.
Tại xã Hợp Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã trực tiếp vào một số hộ dân để thăm hỏi, tặng quà và mong người dân cố gắng vượt qua khó khăn. Đồng thời giao các cơ quan chức năng chủ động các biện pháp, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, hỗ trợ cây và con giống để người dân sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.Chia sẻ với bà con, Thành ủy tặng huyện Mỹ Đức 400 thùng mỳ tôm, 400 thùng nước, 60 bồn nước, 100 thùng bột canh, trị giá 195 triệu đồng.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng thăm hỏi, trao thực phẩm cho người dân vùng lũ huyện Mỹ Đức. |
Cũng trong chiều 17/10, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã thị sát tình hình ngập lụt, thăm hỏi và tặng quà các hộ dân bị ảnh hưởng tại huyện Chương Mỹ.
Tại 2 xã Tân Tiến và Nam Phương Tiến, do đường vẫn còn ngập sâu, nên Chủ tịch HĐND TP cùng các thành viên đoàn công tác đã lội bộ trong nước ngập để đến với các hộ dân. Chia sẻ với những khó khăn mà người dân vùng lũ phải hứng chịu, Chủ tịch HĐND TP mong muốn, cùng với hỗ trợ của TP và các sở, ban ngành, các hộ dân sẽ vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống.Đồng thời đề nghị địa phương tiếp tục theo dõi sát tình hình mưa lũ. Nước rút đến đâu, cần tổ chức dọn dẹp VSMT, tiêu độc khử trùng, phòng ngừa dịch bệnh phát sinh, ổn định đời sống dân cư tới đó. Tập trung sửa chữa hệ thống giao thông, nhất là hệ thống đê điều, thủy lợi, không để phát sinh các sự cố làm trầm trọng hơn tình hình ngập lụt trên địa bàn.Không chỉ các lãnh đạo cao nhất của TP khẩn trương vào cuộc, các cơ quan chức năng khác như Sở NN&PTNT, UBND huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP... và cả hệ thống chính trị của TP khẩn trương vào cuộc, thực hiện các giải pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc thăm hỏi, tặng quà người dân xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ. |
Khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân
Trong những ngày mưa lũ, Huyện Chương Mỹ đã huy động 1.812 lượt người, 2 xuồng máy, 16 xe ô tô của lực lượng quân đội tham gia cứu hộ, gia cố, chống tràn cho 7.200m đê hữu Bùi, 250m đê Vàng… Huyện Mỹ Đức tập trung lực lượng sửa chữa, khắc phục xong các điểm sạt lở ở bờ hữu sông Đáy, hỗ trợ 3.720 bình nước uống, 3.020 thùng mỳ ăn liền, 3.020 cặp nến, 720 gói bột canh, mỳ chính, 30.000 liều thuốc tiêu hóa, cảm cúm, 90kg cloramin, 90kg phèn chua cho các hộ dân tại vùng bị ngập, trị giá 730 triệu đồng… Lực lượng vũ trang, xung kích đã huy động 3.912 người tham gia ứng phó thiên tai, cứu hộ đê, sơ tán nhân dân. Công an thành phố và các quận, huyện huy động 100% quân số bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội, hỗ trợ người dân sơ tán.
Riêng sự cố lún sụt đê bao hữu Bùi, ngay sau khi xảy ra sự cố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai đã phối hợp với UBND huyện Chương Mỹ nắm bắt tình hình, huy động lực lượng, thiết bị máy móc, vật tư để xử lý sự cố, ngăn chặn diễn biến sạt lở, sự cố không có thiệt hại về người.
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung kiểm tra máy lọc nước sạch tặng Nhân dân vùng ngập lụt huyện Chương Mỹ. |
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành TP trong chủ động và khắc phục hậu quả, cũng như sự tham gia của người dân nên đã hạn chế tối đa thiệt hại do mưa lũ gây ra. Trước, trong và sau mưa lũ, nhiều đoàn công tác của Thành phố đã kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, giúp người dân vượt qua khó khăn.
Trong công tác khắc phục hậu qủa mưa lũ, TP huy động được nhiều nguồn lực để kịp thời hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, từ TP đến địa phương, sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức và đặc biệt là sự nỗ lực, chia sẻ của cộng đồng, người dân trong vùng ngập lụt. Việc khắc phục hậu quả sau thiên tai được tổ chức nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo không người dân nào phải chịu đói rét, khắc phục nhanh sự cố giao thông, thủy lợi, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Hà Nội hỗ trợ hơn 6 tỷ đồng cho các địa phương bị thiệt hại do mưa lũ
Để kịp thời giúp đỡ các địa phương khắc phục khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, vừa qua Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ các địa phương hơn 6 tỷ đồng khắc phục hậu quả mưa lũ.
Cụ thể: Hỗ trợ tỉnh Hòa Bình bị thiệt hại nặng nề nhất: 1 tỷ đồng; Hỗ trợ 6 tỉnh gồm: Sơn La, Yên Bái, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh 500 triệu đồng. Ngoài ra, TP cũng hỗ trợ gia đình của 7 tỉnh trên có người chết do thiên tai gây ra mỗi gia đình 10 triệu đồng; người bị thương 5 triệu đồng.
Đối với các địa phương thuộc TP Hà Nội: Hỗ trợ huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ mỗi huyện 1 tỷ đồng; Hỗ trợ gia đình của 2 huyện trên có người chết do thiên tai gây ra mỗi gia đình 10 triệu đồng; người bị thương 5 triệu đồng. Số tiền trên được trích từ quỹ "Cứu trợ" của TP Hà Nội.Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội trao quà cứu trợ cho người dân vùng lũ huyện Chương Mỹ. |
Cùng với sự vào cuộc của lãnh đạo TP, vừa qua, Hội chữ thập đỏ TP Hà Nội đã phối hợp cùng Hội chữ thập đỏ quận Cầu Giấy và Hội chữ thập đỏ huyện Chương Mỹ tới thăm hỏi, động viên và tặng 300 thùng mỳ tôm, 60 thùng nước uống, 300 đèn pin đa năng cùng 1,2 tạ gạo cho các hộ dân bị ngập úng của các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ.
Đây là ba xã bị ngập lụt nặng nhất của huyện Chương Mỹ do sự cố tràn đê tả Bùi 2. Huyện Chương Mỹ cũng đã chỉ đạo cấp 1.200 thùng mỳ tôm, 2.200 cây nến, 1.000 bình nước loại 18,9 lít cho người dân vùng lũ. Cùng với sự chủ động của huyện nhà, một số huyện lân cận cũng thể hiện tinh thần tương thân tương ái khi hỗ trợ người dân vùng lũ huyện Chương Mỹ 1.100 thùng mỳ tôm và 300 cây nến.
Để khắc phục hậu quả của mưa lũ, những ngày qua, huyện Mỹ Đức đã chỉ đạo hỗ trợ 3.000 bình nước uống, 2.300 thùng mì tôm, 2.300 cặp nến, 600 gói bột canh cho nhân dân các vùng bị ngập lụt. Theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương, phương châm chỉ đạo của huyện trong thời gian từ nay đến khi nước rút cạn là phải đảm bảo đời sống cho bà con. Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo tăng cường các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, khử sạch nguồn nước, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội; tăng cường bảo vệ các điểm đê xung yếu và phân công trực 24/24 giờ nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra…