Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lão nông ở Bạc Liêu hiến cả ngàn mét đất làm công trình dân sinh

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các công trình dự án khi thi công thường gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Thế nhưng một lão nông ở huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liệu lại tiên phong nhiều lần hiến đất để mở đường, xây cầu và nhà văn hóa ấp.

Ông Nguyễn Văn To bên phần đất gia đình vừa hiến để xây cầu ở xã Vĩnh Lộc A huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu (Hoàng Nam).
Ông Nguyễn Văn To bên phần đất gia đình vừa hiến để xây cầu ở xã Vĩnh Lộc A huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu (Hoàng Nam).

Mặc dù gia đình không phải hộ giàu hay khá giả, thế nhưng khi được chính quyền địa phương vận động hiến đất để xây dựng nhà văn hóa ấp, xây cầu, làm đường nông thôn, ông Phan Minh To không tính toán thiệt hơn, tự nguyện hiến cả ngàn mét vuông đất trị giá hàng tỉ đồng.

Cây cầu thông tuyến đường Cầu Đỏ - Bến Luông (tại xã Vĩnh Lộc A huyện Hồng Dân Bạc Liêu) đi qua phần đất gia đình ông Nguyễn Văn To hiến đang được gấp rút hoàn thành (Hoàng Nam).
Cây cầu thông tuyến đường Cầu Đỏ - Bến Luông (tại xã Vĩnh Lộc A huyện Hồng Dân Bạc Liêu) đi qua phần đất gia đình ông Nguyễn Văn To hiến đang được gấp rút hoàn thành (Hoàng Nam).

Đến xã huyện Hồng Dân tỉnh Bạc Liêu, hỏi về tấm gương tử tế nhiều lần hiến đất cho địa phương xây dựng công trình dân sinh, người dân sẽ chỉ ngay đến ông Phan Minh To (70 tuổi, ngụ ấp Lộ Xe A, xã Vĩnh Lộc A).

Ông Nguyễn Văn Tôn, hàng xóm của ông To cho biết, trước đây con đường gần nhà nhỏ hẹp, lại sát mé sông nên có nhiều đoạn thường xuyên xảy ra sạt lở. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt khiến các cháu học sinh bị té ngã. Đã nhiều lần người dân bàn nhau đổ thêm đất đá để đi cho an toàn, thế nhưng chẳng được bao lâu thì con đường lại xuống cấp, hư hỏng. Cách duy nhất là phải làm con đường kiên cố bằng bê tông thì mới bền, sạch, đẹp. Sau khi được ông To hiến đất, địa phương tiến hành làm đường nông thôn bằng bê tông. Hiện nay, đường thuận tiện cho bà con đi lại, các cháu học sinh đi học dễ dàng, an toàn.

Ông Nguyễn Văn To cho biết, gia đình ông xuất thân thuần nông, nên đều hiểu sự quý giá của đất như ông bà từng nói “tấc đất là tấc vàng.” Nhưng nhìn thấy hình ảnh những đứa trẻ và người dân cứ phải đi lại trên con đường nhỏ hẹp, lại trơn trượt vào mùa mưa, nông sản làm ra bị thương lái ép giá vì giao thông khó khăn, ông không khỏi chạnh lòng. Nên khi địa phương mở lời kêu gọi hiến đất mở đường, ông và gia đình thấy trách nhiệm của mình với quê hương, nên đã đồng ý ngay.

 “Thấy con em mình hằng ngày đi học xa nhà rất vất vả, nhiều cháu phải bỏ học giữa chừng do nhà nghèo, trường xa lại thiếu phương tiện đi lại, không có điểm vui chơi, giải trí nên trong lòng day dứt. Vì vậy, quyết định hiến đất để nhà nước xây cầu, làm đường, xây nhà văn hóa ấp ngoài việc tiện đi lại của các cháu học sinh được thuận lợi, còn tạo điểm vui chơi, giải trí cho bà con” – ông Nguyễn Văn To nói.

Theo UBND xã Vĩnh Lộc A, năm 2022 ông To đã hiến khoảng 400 m2 đất để mở đường và hơn 200 m2 xây dựng Nhà văn hóa ấp Lộ Xe A. Mới đây, khi huyện Hồng Dân có chủ trương đầu tư xây dựng một cây cầu mới để thông tuyến đường Cầu Đỏ - Bến Luông (tại xã Vĩnh Lộc A), ông To lại tự nguyện hiến thêm đất. Đây là phần đất giáp bờ kênh diện tích hơn 100 m2, nhờ mặt bằng sớm thông thoáng, địa phương đã triển khai xây dựng cầu mới kiên cố được nhanh chóng.

Gần đây nhất, hưởng ứng đợt cao điểm ra quân chiến dịch làm đường giao thông nông thôn - thủy lợi thủy nông nội đồng mùa khô năm 2024, gia đình ông Nguyễn Văn To lại tiếp tục hiến gần 300 m2 đất trước sân nhà để xã Vĩnh Lộc A mở rộng tuyến lộ nông thôn dài hơn 1.200 m. Hiện, tuyến đường ấp Lộ Xe A được trải bê tông kiên cố bằng phẳng, rộng rãi, thông thoáng. Người dân dễ dàng đi lại, vận chuyển nông sản, các cháu học sinh đến trường được an toàn thuận tiện.

Ông Trần Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, cho biết việc làm của ông To là nghĩa cử đẹp, tấm gương tiêu biểu trong phong trào toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới. Ngoài hiến đất, gia đình ông còn góp sức, đóng góp kinh phí để cùng chính quyền trực tiếp làm đường, xây cầu…

"Gia đình ông To không chỉ là gương điển hình của địa phương trong phát triển kinh tế, làm giàu. Những đóng góp của ông đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi đời sống nhân dân và diện mạo của địa phương. Là tấm gương tạo thêm nhiều nhân tố tích cực để cùng địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” - ông Hùng nhấn mạnh.