Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về cơ bản, đại biểu Quốc hội tán thành với Tờ trình về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018, tập trung vào các nhóm nội dung chính là xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề và xem xét việc thực hiện kiến nghị sau giám sát; đồng thời, nhất trí với dự kiến chi tiết các nội dung của chương trình.
Để bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2018, về giám sát chuyên đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chỉ giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5, không tổ chức giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6 để tập trung cho các nội dung nêu trên.
Ảnh tư liệu: Các đại biểu Quốc hội bỏ những lá phiếu tín nhiệm vào hộp phiếu trong phiên họp Quốc hội |
Đồng thời, bổ sung nội dung lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến Kỳ họp thứ 6 vào dự thảo Nghị quyết.
Về giám sát chuyên đề, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về lựa chọn chuyên đề giám sát. Đến buổi sáng ngày 01/6/2017, Tổng Thư ký Quốc hội nhận được 396 phiếu trên tổng số 491 đại biểu Quốc hội khóa XIV; trong đó:- Có 302/396 ý kiến (76,2%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;- Có 288/396 ý kiến (72,7%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội;- Có 171/396 ý kiến (43,1%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi;- Có 72/396 ý kiến (18,1%) tán thành giám sát chuyên đề Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.Tiếp thu các đề nghị của đại biểu Quốc hội về nội dung giám sát không chỉ về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà nên rộng hơn, tương xứng với giám sát tối cao của Quốc hội là “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước”; đề nghị không đưa nội dung giám sát về trái phiếu Chính phủ trong năm 2018 hoặc để lui lại một thời gian. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các ý kiến nêu trên là phù hợp, đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 5 với nội dung: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giai đoạn 2011- 2016”. Các nội dung còn lại, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để đưa vào chương trình giám sát và tổ chức giám sát, báo cáo kết quả với Quốc hội.Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội đã ngày càng được quan tâm và không ngừng đổi mới, đạt được những kết quả quan trọng, hiệu lực, hiệu quả ngày càng nâng lên, được cử tri ghi nhận, đánh giá cao. Trong thực tế, qua hoạt động giám sát, nhất là hoạt động chất vấn và lấy phiếu tín nhiệm, hoạt động điều hành của cơ quan thực thi pháp luật đã có chuyển biến rất tích cực, rõ nét; kết quả giám sát đã hỗ trợ rất tích cực cho hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, thực tiễn đời sống kinh tế- xã hội luôn có sự biến động, bên cạnh những mặt được còn không ít vấn đề nảy sinh, hoạt động giám sát đòi hỏi phải được đổi mới và đẩy mạnh hơn nữa; do vậy, trong thời gian tới, yêu cầu trách nhiệm của cá nhân đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cao hơn thì mới đáp ứng được đòi hỏi đó.Sau khi nghe trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 và dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 tại Hội trường, các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018 với tỷ lệ 436/439 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành chiếm 88.80% tổng số đại biểu Quốc hội.