Nguy cơ các vụ tấn công vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia phía Đông Nam Ukraine vẫn còn hiện diện.
Kể từ khi quân đội Nga tiếp quản ở thời điểm chiến sự tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, nhà máy này thường xuyên bị vướng vào các cuộc giao tranh, khiến các chuyên gia quốc tế không khỏi lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân.
Một số thậm chí còn cảnh báo về thảm họa hạt nhân tương tự như những gì từng xảy ra tại Chernobyl vào năm 1986, gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Ukraine vào thời điểm đó.
Trong một diễn biến mới nhất, vào ngày 7/4, một máy bay không người lái đã tấn công vào nhà máy này.
Cựu thanh tra hạt nhân của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Robert E. Kelley xác thực việc máy bay không người lái tự sát tấn công vào Zaporizhzhia, tuy nhiên khẳng định những vụ tấn công như trên không có khả năng khiến nhà máy này phát nổ.
IAEA xác nhận vụ tấn công này cũng không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào.
Sẽ không xảy ra một thảm họa như Chernobyl?
Một số cuộc tấn công trước đây vào Zaporizhzhia đã khiến nhà máy này rơi vào tình trạng mất điện. Điều này là vô cùng nguy hiểm do việc mất điện sẽ khiến các lò hạt nhân không thể hạ nhiệt, rơi vào trạng thái quá nóng và có thể phát nổ - tương tư như trường hợp tại Chernobyl.
Tuy nhiên, theo ông Kelley, khả năng này gần như không thể xảy ra.
“Lò phản ứng tại Chernobyl đột nhiên hoạt động hết công suất, với việc toàn bộ lượng nước trong đó chuyển thành hơi nước trong thời gian ngắn, dẫn đến việc phát nổ. Tuy nhiên, các lò phản ứng ngày nay được xây dựng theo tiêu chuẩn hoàn toàn khác. Các lò điều áp (PWR) tại Zaporizhzhia không chứa những vật liệu dễ cháy nổ như than chì trong các lò phản ứng ở Chernobyl trước đây” – ông giải thích.
Chuyên gia này cho biết các lò PWR được xây bên trong một mái vòm thép và bê tông khổng lồ có thể chịu được các vụ phát nổ hơi nước và làm chậm quá trình rò rỉ đồng vị phóng xạ ra môi trường.
Ngoài ra, việc các lò phản ứng tại Zaporizhzhia đang ngừng hoạt động đã làm giảm đáng kể rủi ro xảy ra các sự cố hạt nhân, điều hoàn toàn trái ngược với trạng thái của các lò Chernobyl trước đây.
Bên cạnh đó, dù Moscow đã tiếp quản nhà máy, nhiều công nhân Ukraine vẫn ở lại để phòng ngừa những rủi ro có thể xảy ra.
Châu Âu đã chuẩn bị cho sự cố hạt nhân?
Theo nhiều chuyên gia, các quốc gia châu Âu đã chuẩn bị nhằm ứng phó với các thảm họa.
Hơn 150 lò phản ứng đang hoạt động trên khắp 27 quốc gia thành viên EU.
Mỗi quốc gia đều có một cơ quan nghiên cứu và ứng phó với các thảm họa hạt nhân, kể cả những quốc gia chưa sở hữu bất kỳ lò phản ứng nào.
Chuyên gia ứng phó khẩn cấp tại Cơ quan An toàn Bức xạ Thụy Điển Jan Johansson cho biết: “Sự phối hợp nhằm ứng phó với thảm họa hạt nhân đã tăng lên kể từ thảm họa nhà máy hạt nhân Fukushima vào năm 2011”.
Bên cạnh đó, các hướng dẫn về an toàn hạt nhân được IAEA thiết lập trên phạm vi quốc tế.
Tại châu Âu, Hiệp hội bức xạ châu Âu (HERCA), một tổ chức được thành lập bởi các cơ quan quản lý bức xạ của các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu, đang đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và thúc đẩy các tiêu chuẩn an toàn bức xạ chung cho các thành viên trong khối.
Ông Johansson cho biết: “HERCA đang tích cực trao đổi, thảo luận về các vấn đề Ukraine, nhằm phòng tránh những rủi ro hạt nhân tiềm ẩn”.
Ông cũng nhấn mạnh các quốc gia cần tập trung vào khâu chuẩn bị để hạn chế thấp nhất rủi ro có thể xảy đến.