Liều vaccine tăng cường có giúp các nước giàu vượt qua đợt bùng phát Covid-19 mới?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc chiến chống lại Covid-19 đang biến đổi, cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia có và không có vũ khí mang tên vaccine.

Trong bối cảnh biến thể Delta dễ lây lan gây lo ngại trên toàn cầu, các quốc gia giàu có đang siết chặt kho vũ khí vaccine, trong khi tuyệt vọng lan rộng ở một số khu vực thiếu vaccine khác trên thế giới.
Mỹ và châu Âu đang triển khai một loạt các biện pháp khuyến khích về cả tài chính và các lợi ích khác nhằm thuyết phục người dân đi tiêm vaccine, với mục tiêu nữa là các liều tăng cường cho những nhóm dễ bị tổn thương.  Các quan chức ở Mỹ và Liên minh châu Âu đã thấy tấm gương ở Anh nơi bỏ hầu như tất cả hạn chế vì Covid-19. Các nhà phân tích mô tả động thái này là "thử nghiệm nguy hiểm và phi đạo đức", khi số ca mắc mới tại đây đang tăng cao, chủ yếu là biến chủng Delta.
 Người dân ở Ấn Độ xếp hàng đi tiêm vaccine. Ảnh: CNN
Trong khi đó, trên khắp thế giới, hàng trăm triệu người vẫn đang chờ đợi để được tiêm liều vaccine đầu tiên và viễn cảnh về khả năng miễn dịch diện rộng giống như một giấc mơ viển vông. Châu Phi và Đông Nam Á, nơi tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, đang chứng kiến ​​đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất từ trước tới nay.
Các cơ quan quốc tế, các tổ chức cứu trợ nhân đạo, các chuyên gia bệnh truyền nhiễm đều đã cảnh báo các quốc gia không nên tiêm tăng cường vaccine cho đến khi có dữ liệu về sự cần thiết của chúng. Thay vào đó, kêu gọi các chính phủ “thừa” vacicne tặng các quốc gia nghèo đang gặp khó khăn. Biến thể Delta đã thay đổi tính toán đó của giới chức Mỹ và EU, nơi nỗ lực ngăn đợt bùng phát mới trong khi tránh việc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa diện rộng.
Hôm 4/8, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi tạm dừng tiêm vaccine liều thứ ba cho đến ít nhất là cuối tháng 9, với mục tiêu là 10% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới được tiêm chủng vào thời điểm đó.
"Tôi hiểu các nước muốn bảo vệ người dân trước biến thể Delta. Nhưng không thể chấp nhận việc các nước đã sử dụng gần hết nguồn cung vaccine toàn cầu, lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn nữa, trong khi những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới lại không được bảo vệ", ông Tedros nói.
Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng rất chênh lệch. Trong khi tại các nước thu nhập cao, 100 người đã nhận được trung bình 100 liều vaccine, tại các nước thu nhập thấp, 100 người chỉ nhận được 1,5 mũi vaccine do thiếu nguồn cung.
"Chúng tôi cần một sự đảo ngược khẩn cấp, vaccine cần được chuyển đến phần lớn các nước thu nhập thấp, thay vì thu nhập cao như hiện nay”, ông Tedros nói, đồng thời kêu gọi các nhà lãnh đạo từ Nhóm G20, bao gồm Mỹ và EU, làm nhiều hơn nữa để cải thiện khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu.
Đức và Pháp đã bỏ qua lời kêu gọi, cho biết sẽ thúc đẩy việc tiêm tăng cường cho những thành phần dễ bị tổn thương trong khi vẫn cam kết các khoản viện trợ vaccine, tuy nhiên năng lực hoặc ý chí để thực hiện kế hoạch “kép” này vẫn chưa được đảm bảo.  
Andrea Taylor, trợ lý Giám đốc chương trình tại Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu của Đại học Duke, nói với CNN rằng việc ưu tiên tiêm vaccine tăng cường thay vì đảm bảo vaccine cho số đông các nước trên toàn cầu, mặt khác sẽ đẩy cả những nước có thu nhập cao, vào tình thế nguy hiểm hơn.
"Nếu các quốc gia như Đức, như Mỹ, như Anh chọn triển khai các mũi tiêm nhắc lại trước khi đảm bảo các cộng đồng trên toàn thế giới đều được tiếp cận với hai liều vaccine đầu tiên, thì vấn đề không được giải quyết”, Taylor nói.
"Giống như chúng ta đã thấy ở Nam Á và châu Phi, nơi không thể kiểm soát được tình trạng lây nhiễm đã khiến biến thể Delta xuất hiện. Nếu duy trì xuất hiện mật độ dày đặc ở nhiều nơi trên thế giới, virus có thể tạo ra nhiều biến thể nguy hiểm và dễ lây lan hơn, khi đó toàn cầu sẽ bị đe dọa chứ không phải chỉ riêng khu vực xuất hiện biến thể”.
Hiện trong số bốn khu vực chính sản xuất vaccine với quy mô lớn trên toàn cầu là Mỹ, EU, Ấn Độ và Trung Quốc - EU xuất khẩu ít nhất, và đó là ngay cả sau khi Ấn Độ cắt xuất khẩu sau làn sóng bùng phát vì biến thể Delta, Taylor nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần