Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Linh hoạt xúc tiến thương mại, chớp thời cơ nền kinh tế phục hồi

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi– Bước sang năm 2024, nền kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu phục hồi rõ nét, tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu tại các thị trường lớn. Để không lỡ nhịp, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường.

Những dấu hiệu thị trường phục hồi

Thông tin từ các Tham tán thương mại Việt Nam cho thấy, nền kinh tế của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi. Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân cho biết, sau 2 năm khủng hoảng vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế EU đã có một số điểm sáng đó là lạm phát giảm, chuỗi cung dần khôi phục. Nhiều chuyên gia cũng dự báo, kinh tế của EU sẽ khôi phục trong năm 2024, tăng mạnh năm 2025.

Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh trên các nền tảng số.
Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh trên các nền tảng số.

Đề cập đến xu thế thị trường tại EU, ông Trần Ngọc Quân lưu ý, hiện nay người dân sở tại chưa mạnh dạn mua sắm, do vậy cạnh tranh về giá tại thị trường EU sẽ rất căng thẳng. Đây là điểm doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần đặc biệt lưu ý. Về các quy định với hàng hoá nhập khẩu, trong năm 2024, EU thực hiện nhiều quy định liên quan đến kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững với mặt hàng sắt thép, phân bón; trách nhiệm đến hạn chống phá rừng; ban hành quy định sinh thái trong ngành dệt may…

Còn theo Tham tán Thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng thông tin, nền kinh tế Mỹ đang dần ổn định trở lại. Lạm phát đang ở mức vừa phải, lãi suất tăng nhưng ổn định, điều kiện thị trường lao động đang hạ nhiệt và chi tiêu tiêu dùng có dấu hiệu giảm tốc.

Đáng lưu ý, năm 2024 là năm cuối cùng trong nhiệm kỳ 2021 - 2024 và Mỹ sẽ tiến hành bầu cử Tổng thống vào năm tới. Do đó, dự báo chính sách thương mại khó có những thay đổi đáng kể trong năm nay. Mặt khác, trong năm bản lề để thu hút cử tri, chính quyền hiện tại có thể sẽ đưa ra nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất trong nước; từ đó sẽ tạo ra nhiều khó khăn thông qua các rào cản phòng vệ thương mại đối với các nước xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

Về thị trường Trung Quốc, ông Lương Văn Tài – Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) chia sẻ, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rất tích cực. Nước bạn ban hành nhiều chính sách về quản lý xuất nhập khẩu, trong đó nếu hàng hoá đáp ứng tiêu chuẩn sẽ tạo các điều kiện thuận lợi xuất khẩu vào thị trường này.

Cũng theo ông Lương Văn Tài, trong bối cảnh chi phí vận tải tăng cao, doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng tìm nguồn cung ở khu vực gần, lân cận, tăng cường nhập khẩu nông sản nhiệt đới. Vì vậy, dư địa, tiềm năng cho hàng hoá nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất lớn.

Đa dạng, linh hoạt hình thức xúc tiến thương mại

Nhiều chuyên gia dự báo, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất trong nước.

Chương trình đào tạo tập huấn trên nền tảng số (livestream) tại các khu vực sản xuất, các vùng trồng đối với mặt hàng nông sản.
Chương trình đào tạo tập huấn trên nền tảng số (livestream) tại các khu vực sản xuất, các vùng trồng đối với mặt hàng nông sản.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng, xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản… yêu cầu ở các nhà cung cấp.

Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam muốn tồn tại phải chủ động nắm bắt thông tin, am hiểu thị trường. Đặc biệt, hoạt động xúc tiến thương mại là một trong những giải pháp hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập thị trường trực tiếp nhất.

 

Cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, ngành hàng, địa phương cần tiếp tục nắm bắt thông tin về tình hình, biến động về chính trị, chính sách của các quốc gia là đối tác nhập khẩu ảnh hưởng đến thương mại Việt Nam, từ đó đưa ra cảnh báo và phản ứng kịp thời. - Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI)

Đề cập về nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại trong năm 2024, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới.

Tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quy mô lớn, tầm quốc gia và quốc tế, tương xứng vị thế và hình ảnh quốc gia Việt Nam trên thị trường quốc tế; nhất là những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Chú trọng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu quốc gia gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Bộ Công Thương ở trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tiếp tục tranh thủ nguồn lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế nhằm đẩy mạnh triển khai các chương trình hỗ trợ kĩ thuật, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.