70 năm giải phóng Thủ đô

Loại bỏ thi đua suông

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc thi đua cần cụ thể, không hô hào suông, phải gắn với thực tiễn cuộc sống; khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khen đúng việc, thưởng đúng người… vẫn luôn là vấn đề đặt ra.

"Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hàng ngày. Thật ra, công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua" - lời dạy đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn là “kim chỉ nam”, động lực để khơi dậy không ít phong trào, gây dựng nhiều điển hình tiên tiến, tạo ra sức lan tỏa rộng lớn, thúc đẩy mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong suốt 76 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2024). Đồng thời, việc thi đua cụ thể, không hô hào suông, phải gắn với thực tiễn cuộc sống; khen thưởng phải kịp thời, chính xác, khen đúng việc, thưởng đúng người… vẫn luôn là vấn đề đặt ra.

Trong 76 năm qua, từ Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, các phong trào thi đua đã đi vào từng ngóc ngách của đời sống. Khó có thể kể hết các phong trào thi đua liên tục ra đời, có những phong trào xuyên suốt đã trở thành thương hiệu và cả những phong trào thi đua ngắn hạn gắn với các sự kiện cụ thể.

Từ những phong trào thi đua lớn như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Vì người nghèo”, “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển"… đến các phong trào thi đua để thúc đẩy nhiệm vụ trọng tâm của từng ngành, địa phương… Từ phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu, với đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích; mô hình, giải pháp tốt được nhân rộng, lan tỏa trong đời sống…

Tại Hà Nội, sự đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua từ cơ sở đến TP đã góp phần tạo ra khí thế mới, đồng đều và rộng khắp, trong đó các phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt”… đã trở thành nét riêng có, xuyên suốt trong mọi lĩnh vực công tác và đời sống xã hội TP. Đặc biệt, TP cũng phát động các phong trào theo chủ đề năm với trọng tâm, trọng điểm, để giải quyết các khâu yếu, việc khó, việc mới, thúc đẩy sự sáng tạo, tinh thần chủ động từ cơ sở.

Thực tế thời gian qua đã cho thấy, mỗi phong trào thi đua khi ra đời, không ai có thể phủ nhận thành quả mang lại trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, vẫn còn những điều cần phải thẳng thắn nhìn nhận khi tình trạng thi đua kiểu chiều rộng tốt, nhưng chiều sâu lại hạn chế vẫn còn; bệnh hình thức nhiều, phát động rầm rộ nhưng theo dõi chỉ đạo, ý thức của mỗi người lại thiếu. Đặc biệt tại một số nơi, khen thưởng như là một món quà mà chưa thực chất; có khi còn như một sự phân chia, quay vòng…

Như Bác Hồ đã nêu “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Khen thưởng đúng lúc là một đòn bẩy thiết thực động viên phong trào thi đua. Người luôn nhấn mạnh, chú trọng thi đua, nhưng không phải chỉ kêu gọi chung chung, “phát mà không động”, mà phải thực chất, đi vào chiều sâu và tạo ra động lực cả về vật chất và tinh thần xã hội.

Do đó, thi đua phải làm sao tạo thành một sức lan tỏa rộng lớn để thúc đẩy hơn những điều tốt trong xã hội, loại bỏ những điều chưa tốt vẫn còn là một việc phải lưu tâm. Như Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua – khen thưởng T.Ư đã nhiều lần nhấn mạnh, thi đua phải bảo đảm triển khai có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, thiết thực, hiệu quả, tránh bệnh hình thức; khen thưởng phải đúng, trúng, kịp thời, đúng đối tượng, hướng tới người dân, cơ sở, tạo động lực nuôi dưỡng các phong trào thi đua…

Hay nói khác đi, thi đua không nên chỉ dừng ở hình thức của một phong trào, “phát mà không động”, mà tự thân phải có sức sống, có trọng tâm, trọng điểm và mang tính sát thực, hiệu quả hơn. Thi đua để mang lại sự phát triển mọi mặt, chứ không phải thi đua để tính số lượng, tạo áp lực thành tích, dù thành tích và khen thưởng là cần thiết.