Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loại cán bộ biến chất để làm sạch bộ máy

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, cùng với quy định của Đảng, những chỉ đạo mạnh mẽ từ Chính phủ đến các đơn vị, địa phương để ngăn chặn tình trạng tham nhũng, kiên quyết loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất cũng đặc biệt được nhấn mạnh. Đây là vấn đề vẫn luôn được dư luận quan tâm, bởi công tác cán bộ “nóng” liên tục khi số cán bộ vi phạm kỷ luật bị xử lý ngày càng tăng, trong đó có cả cán bộ cấp cao, giữ những vị trí quan trọng.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 37, nhiệm kỳ XII của Ủy ban Kiểm tra T.Ư tháng 7/2019. Ảnh: Doãn Tấn
Loại bỏ được những người “tha hóa”
Số liệu thống kê có thể thấy, 5 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng trên 77.600 đảng viên vi phạm, trong đó hơn 4.300 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Nếu chỉ tính tiêng từ đầu năm đến nay, đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức Đảng và 7.923 đảng viên vi phạm; trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật do có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái, con số này tăng so với cùng kỳ trước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã kỷ luật đối với 1 tổ chức Đảng, 13 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: Chú trọng vấn đề giáo dục liêm chính cho cán bộ
Thực tế thời gian qua, cán bộ hư hỏng, thoái hóa khá nhiều nhưng qua thanh tra, kiểm tra phát hiện được rất ít, bằng chứng là một số vụ vi phạm nghiêm trọng xảy ra cách đây nhiều năm, nhưng bây giờ mới có thể xử lý. Với những chỉ đạo quyết liệt gần đây, chắc chắn việc kiểm soát quyền lực bằng cơ chế sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng vẫn là giáo dục liêm chính trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Là công bộc của dân, không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất. Mỗi cán bộ, đảng viên, thực chất là cán bộ có chức quyền phải luôn khiêm tốn và tâm niệm rằng làm để cống hiến, phục vụ Nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, qua đây có thể thấy Đảng đã loại bỏ được những người “tha hóa, biến chất”, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng cũng rất buồn khi cán bộ được giao những vị trí có chức, có quyền mà lại sa ngã, vi phạm, để lợi ích nhóm chi phối... Điều đó càng cho thấy kiểm soát quyền lực cho hiệu quả vẫn thực sự là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở phát sinh tham nhũng.

Cùng với đó, ở góc độ chính quyền, những hành vi tiêu cực, vô cảm, nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ vẫn xảy ra nhiều nơi, nhiều bộ ngành, địa phương với các mức độ khác nhau. Nhiều vụ việc gần đây khiến dư luận bức xúc đều liên quan đến những nhiễu, tiêu cực và tham nhũng vặt liên tục được chỉ ra. Từ tham nhũng vặt trong cấp chứng tử, chứng sinh, cảnh sát giao thông nhận tiền đến những vụ việc nghiêm trọng hơn như dọa dẫm, đòi hối lộ trong hoạt động thanh tra chuyên ngành, điển hình gần đây nhất là vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi thanh tra ở một địa phương tỉnh Vĩnh Phúc. Rồi tình trạng cán bộ, công chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để sách nhiễu, nhận “lót tay”...

Có ý kiến cho rằng, dù chỉ là tham nhũng vặt nhưng cũng tinh vi và như "ổ mối ăn mòn chân đê", nhỏ nhưng có thể phá hủy cả con đê lớn... Hơn nữa, điều đó không chỉ gây bức xúc đối với người dân, DN, mà còn có thể làm tổn hại niềm tin của xã hội đối với người cán bộ, công chức. Tình trạng đó cần sớm chấm dứt.

Những thông điệp mạnh mẽ

Để siết lại công tác này, hàng loạt quy định về công tác quản lý, đánh giá, đề cao tính nêu gương của cán bộ đã được ban hành. Nhiều quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn, có khung, có lượng hóa sát sao về luân chuyển cán bộ; phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… đã được đưa vào thực thi để sàng lọc cán bộ từ sớm.

Nhiều lần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định thông điệp mạnh mẽ phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và DN trong giải quyết công việc; kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, thanh lọc đội ngũ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật, bất kỳ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của Nhân dân.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng: Đồng bộ các giải pháp

Trong thời gian tới, các giải pháp cả phòng và chống đã được Đảng, Chính phủ chỉ ra phải tiến hành đồng bộ, tạo ra sức mạnh tổng hợp. Tuy nhiên cái gốc vẫn phải kiên quyết không để lọt vào đội ngũ người cơ hội, bè phái, thoái hóa... Theo đó, công tác lựa chọn, đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ phải được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục đạo đức trong Đảng, trong Nhà nước và trong hệ thống chính trị. Đồng thời phải kiểm soát quyền lực bằng cơ chế. Chỉ khi thực hiện được đồng bộ các giải pháp việc phòng chống tham nhũng mới thực sự có gốc vững bền, không đơn thuần chỉ đi giải quyết phần ngọn là xử lý những cán bộ đã vi phạm hay vụ việc đã xảy ra.

Thể hiện quyết tâm loại bỏ những hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc, Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng “về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, DN trong giải quyết công việc” đang được các cấp ráo riết triển khai. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục có Công điện số 724 về việc tăng cường phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan phải thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về phòng chống tham nhũng, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh việc kiểm soát hiệu quả đối với cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ, bảo đảm ngăn chặn cho được tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, "vòi vĩnh", "chung chi", vụ lợi. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật; định kỳ luân chuyển, thay đổi vị trí công tác đối với những vị trí nhạy cảm, phức tạp theo đúng quy định…

Tuy nhiên, đúng như nhiều ý kiến đã chỉ rõ, điều quan trọng là cần quyết tâm thực hiện nghiêm túc các nội dung rất đúng và trúng này, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang tiến hành chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Trong đó, yêu cầu dứt khoát không để lọt vào cấp ủy, bộ máy những người có biểu hiện tham ô, tham nhũng, tiêu cực. Như nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư Vũ Quốc Hùng nhận định, việc làm chặt để “loại ngũ” những đối tượng tha hóa, biến chất, làm trong sạch bộ máy, sẽ nâng cao hiệu quả điều hành, chỉ đạo, quản lý Nhà nước. Đây không phải công việc dễ dàng, đòi hỏi các cơ quan chủ trì phải bản lĩnh, không nể nang, né tránh. Nhiệm vụ này cũng cần làm chặt chẽ và muốn có kết quả cao, phải dựa vào dân, để dân giám sát, phản ánh những điều trung thực nhất.

PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội: Thực thi phải nghiêm

Cả Đảng và Chính phủ đều đã đưa ra những chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp rất quyết liệt, rõ ràng được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội. Đặc biệt thời điểm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp, việc thanh lọc, loại bỏ những cán bộ thoái hóa, biến chất là rất cần thiết, được người dân rất kỳ vọng, chờ đợi. Nhưng trước thực tiễn việc thoái hóa cũng ngày càng tinh vi, sự biến chất cũng có “kỹ xảo”, việc thực thi các giải pháp phải thật sự nghiêm túc. Do đó, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các hệ thống chính trị, có sự phân công, quy rõ trách nhiệm và kiểm tra thường xuyên, không để sự việc xảy ra rồi mới đi giải quyết, xử lý.