Thế nhưng, làm thế nào để có dự án nhà ở xã hội (NƠXH) phù hợp với điều kiện của công nhân để an cư lạc nghiệp trong các KCN quả không đơn giản.
Nỗi lo kéo dài
Chị Đào Thị Hạnh (quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chia sẻ, vợ chồng chị đã xuống Hà Nội làm công nhân trong KCN Bắc Thăng Long, xã Kim Chung (huyện Đông Anh) được hơn 7 năm. Gia đình chị phải đi thuê phòng trọ trong các khu dân cư gần KCN, căn phòng chỉ rộng chưa đầy 15m2, hiện đang có 1 con nhỏ nên gặp nhiều khó khăn về chỗ ở. Khu trọ mà gia đình chị Hạnh đang ở là một dãy nhà cấp 4, lợp mái tôn, giá thuê 1 triệu đồng/tháng (chưa tính tiền điện, nước, internet, vệ sinh...).
“Thu nhập của vợ chồng tôi là 10 triệu đồng/tháng, nếu cả 2 cùng làm tăng ca thì sẽ được khoảng 13 - 15 triệu đồng/tháng nhưng do còn con nhỏ nên chỉ bố trí được 1 người làm tăng ca. Thu nhập không cao, nhiều khoản chi phí sinh hoạt hàng ngày nên chúng tôi chỉ có thể chấp nhận ở một căn phòng trọ như vậy, chưa dám nghĩ việc sẽ tìm thuê một phòng trọ tốt hơn để ở” – chị Hạnh nói.
Tương tự, anh Lò Văn Dũng (dân tộc Thái, người tỉnh Thanh Hóa) đang làm việc tại KCN Sài Đồng (quận Long Biên) cho biết, hiện vợ chồng anh đang thuê một phòng trọ gần chỗ làm việc rộng chừng 10m2 (nhà tắm, công trình phụ sử dụng chung), khu trọ đều là những người từ các tỉnh ra Hà Nội đi làm thuê.
“Tôi thuê căn phòng này giá rẻ hơn nhiều so với những khu trọ khác xung quanh, cả tiền điện, nước, vệ sinh khoảng 1 triệu đồng/tháng. Tuy việc sử dụng chung khu vệ sinh, nhà tắm nhiều khi rất bất tiện nhưng do đi làm cả ngày chỉ về nhà ngủ vào buổi tối nên vợ chồng tôi vẫn chấp nhận thuê ở, vì còn phải dành dụm tiền gửi về quê nuôi 2 con nhỏ” – anh Dũng tâm sự.
Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp công nhân, người lao động trong các KCN gặp khó khăn về chỗ ở. Theo đại diện Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất Hà Nội, địa bàn Thủ đô hiện có khoảng 170.000 công nhân, người lao động trong các KCN.
TP đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động được 4 khu nhà ở cho công nhân gồm: Dự án nhà ở công nhân thí điểm tại Kim Chung, huyện Đông Anh; Dự án nhà ở công nhân KCN Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ; Dự án khu nhà ở công nhân Công ty Meiko; Dự án nhà ở công nhân Công ty TNHH Young Fast, tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai. Dù vậy, các dự án mới chỉ giải quyết được cho 22.000 người, tương đương với 13%, số còn lại vẫn phải đi thuê phòng trọ trong khu dân cư.
Thực trạng trên không chỉ riêng tại Thủ đô Hà Nội mà còn phổ biến ở hầu hết các tỉnh, TP trên cả nước, đặc biệt là những địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp. Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho thấy, trong số gần 300 KCN đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 4 triệu công nhân nhưng số lượng NƠXH dành cho công nhân mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, 70% còn lại vẫn phải tự xoay xở tìm kiếm nơi ở và phải đối diện với việc không bảo đảm chất lượng cuộc sống, vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ...
Mặc dù Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho vấn đề xây dựng NƠXH, nhà ở công nhân nhưng thực tế triển khai thực hiện vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Cụ thể, mục tiêu phát triển NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn 2010 – 2020 sẽ xây dựng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở, nhưng đến thời điểm này mới hoàn thiện được gần 8 triệu mét vuông, tương đương gần 60% mục tiêu.
Cần thay đổi tư duy trong quản lý
Theo nhận định, việc chậm trễ này một phần là do thiếu “vốn mồi” để triển khai dự án. Trước thực trạng trên, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, vào đầu tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với các ngân hàng thương mại chính thức triển khai gói tài chính 120.000 tỷ đồng ưu tiên phát triển NƠXH, nhà ở công nhân.
Nhưng thực tế hết quý II, sau gần 2 tháng triển khai vẫn chưa phát sinh dư nợ và đến tận thời điểm này, cơ quan chuyên môn mới chỉ dừng lại ở mức phê duyệt hơn 100 dự án đủ điều kiện vay vốn. Như vậy có thể thấy, nỗi lo về vấn đề chỗ ở cho công nhân, người lao động nói riêng và người thu nhập thấp nói chung vẫn còn kéo dài, chưa có hồi kết.
Tại buổi tọa đàm “Đảm bảo chỗ ở an toàn cho công nhân: Từ mục tiêu đến hành động” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức mới đây, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, đối với nguồn vốn 120.000 tỷ đồng dành cho phát triển NƠXH, nhà ở công nhân giai đoạn từ nay đến năm 2030, mức lãi suất dành cho chủ đầu tư (8,5%/năm) là khá phù hợp.
Tuy nhiên, mức lãi suất cá nhân (7,8%/năm) thì Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu điều chỉnh hạ xuống, để tạo điều kiện tốt hơn và cũng là khuyến khích cho người thu nhập thấp mua nhà. Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân, thông qua việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện và công tác thẩm định hồ sơ cho vay, để DN sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện, tăng thêm nguồn cung cho thị trường.
Đối với vấn đề về chính sách, PGS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, cơ quan soạn thảo luật đã đưa nội dung về việc phát triển nhà ở, lưu trú cho công nhân các KCN vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) là quy định quan trọng, gắn với tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam. “Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định luật hóa nội dung này. Vì nó không chỉ phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam mà còn phù hợp với xu thế chung của thế giới, đó là phát triển nhà ở công nhân nhưng ưu tiên dùng để cho thuê” – PGS.TS Bùi Thị An nhìn nhận.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho biết, câu chuyện về chính sách dành cho NƠXH, nhà ở công nhân vẫn là vấn đề khó khăn, vướng mắc nhất chưa tìm ra được lời giải thấu đáo. Theo ông, cần phải phân định rõ 2 loại hình NƠXH, cho các đối tượng quy định trong luật nhà ở mua, thuê mua và thuê, trong đó có đối tượng là công nhân lao động. "Cùng với đó là quy định về nhà lưu trú công nhân được đầu tư xây dựng trên đất thương mại, dịch vụ tại các KCN để cho công nhân thuê" – ông Nguyễn Mạnh Hà nhấn mạnh.
Có rất nhiều cơ chế nhằm thu hút DN đầu tư NƠXH, nhà ở cho công nhân nhưng thực tế triển khai thì không như kỳ vọng. Nguyên nhân do thiếu vốn để triển khai thực hiện; đồng thời những vướng mắc, chồng chéo về Luật Đất đai, Luật Đầu tư... chưa được tháo gỡ triệt để, dẫn đến thiếu quỹ đất. Chung quy lại là thiếu tiền, thiếu đất, vướng luật nên công tác phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp nói chung và công nhân các KCN nói riêng vẫn gặp nhiều bế tắc trong thời gian qua.
Chuyên gia quy hoạch đô thị, thạc sĩ Trần Tuấn Anh