Lo nhà ở cho công nhân

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà ở luôn là nhu cầu bức thiết nhất với công nhân, lao động, đây cũng là vấn đề được đề cập đến nhiều tại các cuộc tiếp xúc, đối thoại với lãnh đạo các cấp.

Mặc dù trong những năm vừa qua, đã có nhiều chính sách được ban hành, nhiều công việc được triển khai, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành và tổ chức Công đoàn.

Nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Nhà ở dành cho công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Nhu cầu về nhà ở xã hội của công nhân rất lớn

Quê ở Hải Dương, chị Nguyễn Thị Hương lên Hà Nội làm công nhân tại Công ty CP Kim khí Thăng Long. Với mức lương 7,5 triệu đồng mỗi tháng, chị Hương phải chi trả cho vô vàn khoản chi tiêu từ tiền thuê nhà, sinh hoạt đến thuốc thang chạy thận, cuộc sống khó khăn, niềm mơ ước có được căn nhà của chị càng trở nên xa vời.

Không khá hơn là mấy, chị Đàm Thị Kim Dung, công nhân Công ty Goshi Thăng Long (Hà Nội) có mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, không quá thấp, nhưng để trang trải cho tiền nuôi con, thuê trọ và chữa bệnh ung thư cổ tử cung với chị cũng trở nên chật vật. Lo cuộc sống còn chưa đủ, chị không dám mơ sẽ có ngày mình thoát khỏi cảnh thuê nhà.

Cùng với chị Hương, chị Dung còn rất nhiều công nhân và gia đình công nhân lao động khác ở trong hoàn cảnh phải đi thuê trọ; thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Theo dự báo đến năm 2030, cả nước cần 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, trong đó đến năm 2025 cần 1,2 triệu căn. Có 2,7 triệu công nhân khu công nghiệp, trong đó 1,2 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Nhu cầu về nhà ở của công nhân và người thu nhập thấp lớn như vậy nhưng thực tế con số đáp ứng được còn khiêm tốn.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến ngày 9/3/2023, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000m2. Các địa phương đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích hơn 22,5 triệu mét vuông.

 

Nhà ở công nhân đang là vấn đề bức xúc, Tổng LĐLĐ rất quan tâm đến vấn đề này. Các cấp Công đoàn đang theo đuổi đề xuất chính sách để hình thành chế định pháp lý, tạo quyền về nhà ở cho công nhân theo tinh thần Hiến pháp.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Kết quả này mới đạt khoảng 64% so với yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia năm 2020. Trong khi đó, nhu cầu nhà ở của đối tượng người thu nhập thấp ở các đô thị hiện rất lớn.

Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam về tình hình triển khai nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Tổng LĐLĐ đã hoàn thành đầu tư thí điểm 1 dự án thiết chế Công đoàn tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam gồm: 5 block nhà ở cao tầng với 244 căn hộ; 1 nhà đa năng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn bộ khu đất xây dựng thiết chế.

Đối với việc thực hiện xây dựng nhà ở theo Đề án tại Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4/11/2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg, đến nay đã tổ chức đầu tư xây dựng công trình nhà đa năng và hạ tầng kỹ thuật tại khu thiết chế công đoàn Tiền Giang (dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023).

Mặc dù có nhiều dự án đã được triển khai nhưng "cung" vẫn chưa đủ "cầu" do thiếu quỹ đất để xây nhà ở xã hội; vướng mắc thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư chưa thực chất để thu hút DN; thủ tục đầu tư phát triển nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài. Một số tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ quy định pháp luật về nhà ở xã hội do các chế tài xử lý còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh.

Một gia đình sinh sống trong khu nhà dành cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng
Một gia đình sinh sống trong khu nhà dành cho công nhân khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. Ảnh: Phạm Hùng

Nỗ lực tháo gỡ khó khăn

Mới đây, ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 388/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Mục tiêu đến năm 2030 xây được khoảng 1.062.200 căn nhà ở xã hội (trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn); tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.

Chính phủ giao Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Khi lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu nghiên cứu đào tạo, địa phương phải xác định diện tích đất xây nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân.

Trước mắt, Chính phủ yêu cầu các địa phương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và các gói tín dụng khác cho chủ đầu tư và người mua nhà xã hội, nhà ở công nhân vay. Lãi suất cho những nhóm này thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trên thị trường, trong từng thời kỳ. Yêu cầu các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng ưu tiên xây dự án độc lập nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở vị trí thuận tiện, quy mô lớn, đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội...

Cũng trong ngày 3/4/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn triển khai chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Theo đó, từ nay đến 30/6, người mua nhà ở xã hội sẽ được vay từ gói 120.000 tỷ đồng lãi suất 8,2% mỗi năm, trong 5 năm. Mỗi người mua nhà được vay vốn một lần để mua một căn hộ trong danh mục quy định. Mỗi chủ đầu tư được vay vốn một lần cho một dự án.

Những giải pháp trên được kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư cũng như cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp, từ đó giải quyết nhu cầu về chỗ "an cư", góp phần ổn định cuộc sống cho người lao động.

 

Hà Nội phát triển 1,25 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội đến năm 2025

Ông Trần Anh Tuấn - Phó trưởng Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cho biết, Hà Nội đang có 4 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp đã và đang được triển khai xây dựng (một phần đã đưa vào khai thác sử dụng) với tổng công suất thiết kế khoảng 22.420 chỗ ở.

Mục tiêu TP Hà Nội đặt ra giai đoạn 2021 - 2025 phát triển mới khoảng 1,25 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội; chuẩn bị đầu tư 1 - 2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2 - 3 khu.

Tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê đạt tối thiểu theo quy định của T.Ư, nhà ở cho thuê mua phải đạt tối thiểu 10% diện tích nhà ở xã hội tại dự án. TP sẽ bố trí, sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25%; nguồn vốn từ ngân sách hoặc vay từ Quỹ Đầu tư phát triển TP để ưu tiên phát triển nhà ở xã hội.