Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời cảnh báo tới nhà phân phối Việt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc hệ thống gồm 19 siêu thị của Metro đã được bán cho tập Tập đoàn TCC (Thái Lan) cho thấy nếu muốn giữ vững thị phần, các DN Việt Nam phải đẩy mạnh liên kết xây dựng hệ thống bán lẻ, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Lời cảnh báo tới nhà phân phối Việt - Ảnh 1Đó là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Ông đánh giá như thế nào việc Tập đoàn bán lẻ Thái Lan - TCC thâu tóm hệ thống siêu thị Metro ngay sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập?

- Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, thị trường không cần nặng nề chuyện đi hay ở của các tập đoàn, DN nước ngoài tại Việt Nam, bởi họ kinh doanh theo quy luật thị trường. Bán lẻ tại thị trường Việt Nam hiện nay không đơn thuần chỉ có trao đổi hàng hóa mà còn là trải nghiệm bởi người tiêu dùng Việt thích mua sắm quần áo, đồ gia dụng cùng một nơi với mua dưa cà mắm muối, vui chơi giải trí... Chẳng hạn tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ cao cấp Royal City, Times City… thu hút được khá đông người tiêu dùng chọn làm điểm đến là ví dụ. Trong cuộc đua này, nếu các nhà bán lẻ không đáp ứng được những tiêu chí như vậy thì họ chuyển giao cho đơn vị khác. Điều đó cho thấy việc Tập đoàn TCC mua lại Metro là điều bình thường. Riêng với các DN Thái Lan thì họ đã có ý định thâm nhập vào Việt Nam rất lâu rồi, từ việc thường xuyên mở các hội chợ, thúc đẩy du lịch và tổ chức các đại lý phân phối.

DN Thái Lan đang có ý định thâu tóm hệ thống siêu thị Big C, điều đó thấy DN phân phối Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ bị mua lại bởi các đại gia bán lẻ của nước này. Vậy đây có phải là điều đáng lo ngại với các DN bán lẻ trong nước?

- Việc DN Thái Lan có ý định thâu tóm hệ thống siêu thị Big C quả thực là điều đáng lo ngại. Thâu tóm Big C và Metro có nghĩa là các tập đoàn Thái Lan đang chiếm một nửa số điểm của DN bán lẻ nước ngoài ở thị trường Việt Nam. Ngoài nguy cơ về cạnh tranh trong khâu phân phối, cả DN sản xuất sẽ phải đối mặt với việc bị chèn ép về giá, hàng hóa bị đánh bật khỏi thị trường. Sau khi mua hệ thống Metro, Tập đoàn TCC từng tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong hệ thống siêu thị này. Điều đó cho thấy khi nắm được hệ thống siêu thị rộng lớn ở Việt Nam sẽ giúp DN Thái Lan có thể hoàn thành được vòng chu trình từ sản xuất tới phân phối, gây ra sức ép không nhỏ với hàng trong nước.

Một bài học chúng ta từng trải qua khi Công ty CP của Thái Lan chỉ trong vòng một tuần đã 2 lần tăng giá trứng gia cầm, khi đó các DN bán lẻ Việt Nam không thể “phản ứng” được bởi công ty này nắm tới 30 - 40% thị phần cung cấp trứng cho hệ thống siêu thị. Nếu các DN Thái Lan có thể nắm tới 50 - 60 điểm phân phối lớn tại thị trường Việt Nam thì đó sẽ là một thách thức lớn với DN sản xuất, phân phối Việt Nam.

Theo ông, chúng ta phải làm gì để hạn chế việc các DN Việt bị thâu tóm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và sản phẩm Việt?

- Muốn cạnh tranh với DN nước ngoài, DN Việt Nam cần phải khắc phục những điểm yếu. Cụ thể: DN trong nước cả sản xuất và phân phối chưa chú trọng liên kết, nên vốn và hệ thống bán lẻ còn nhỏ, điều đó cho thấy cần phải đẩy mạnh liên kết để tạo ra giá trị lớn. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, bởi có đến 90% nhân sự cao cấp trong thị trường bán lẻ Việt Nam đều không qua đào tạo bán lẻ chuyên nghiệp. Các DN trong quá trình đầu tư phát triển không nên làm theo phong trào, mà phải xây dựng chiến lược kinh doanh phát triển phù hợp; đẩy mạnh xây dựng được văn hóa kinh doanh, thương hiệu.

Bên cạnh sự cố gắng của DN, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ DN bằng việc làm cụ thể, chẳng hạn chúng ta đang khuyến khích người Việt dùng hàng Việt, do đó phải quy định trong siêu thị phải bán bao nhiêu phần trăm là hàng trong nước, bao nhiêu là hàng nước ngoài, qua đó ngăn chặn việc DN nước ngoài, mà ở đây là Thái Lan “bóp chết” DN Việt thông qua tiêu thụ sản phẩm do họ sản xuất.

Xin cảm ơn ông!