Sáng cuối tuần, chùa Hương Lan (xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ) tĩnh mịch, văng vẳng tiếng ê a, ngọng nghịu của những đứa trẻ “đặc biệt” trong lớp học tình thương của cô giáo Lê Thị Hòa. Tuần nào cũng vậy, cứ cuối tuần, cô Hòa lại đến chùa rất sớm để kê bàn ghế, sắp phấn, bảng, chuẩn bị cho lớp học đặc biệt mà cô vừa là chủ nhiệm vừa là mẹ. Lớp học có 58 học sinh khuyết tật từ 6 - 26 tuổi mắc các hội chứng câm điếc, chất độc da cam, down, chậm phát triển… đến từ các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Hoài Đức, Thanh Oai…
Dắt tay từng đứa trẻ vào lớp, hướng dẫn các em mở sách vở, cô trò bắt đầu bài học một cách chậm rãi nhưng vui vẻ. Mỗi học sinh một chương trình học. Giờ giải lao cô lại dạy các em hát. Những bài hát đơn giản với đứa trẻ bình thường nhưng trẻ ở đây có thể mất vài tháng, thậm chí vài năm để thuộc. Kiên trì, nhẹ nhàng và tỉ mỉ, cứ thế cô truyền cho trẻ tình yêu thương không chỉ của một người thầy, mà như một người mẹ.
Chia sẻ về cái duyên gắn bó với những đứa trẻ thiệt thòi, cô giáo Hòa cho biết, bản thân cô cũng có hoàn cảnh rất đặc biệt khi cả bố và mẹ đều là trẻ mồ côi, lớn lên trong tuổi thơ nghèo khó, vất vả. Bởi thế, khi gắn bó với nghề giáo, cô luôn ấp ủ mở một lớp học tình thương để những đứa trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn không thể tới trường được học tập hay đơn giản chỉ giao tiếp với nhau.
Năm 1993, được gia đình ủng hộ, cô Hòa mở lớp học tại nhà, nhận 23 em học sinh nhiễm chất độc màu da cam, hội chứng down và cả những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn buộc phải nghỉ học về dạy. Nhớ lại những ngày đầu, cô Hòa bảo, có những lúc "toát mồ hôi", bởi dạy dỗ đứa trẻ mắc những hội chứng bệnh đặc biệt quả là khó bội phần. “Một số em có biểu hiện tâm lý cực đoan, nhất định phải cắn, đánh… cô mới chịu vào lớp”- cô Hòa kể.
Theo thời gian, lớp học tình thương của cô Hòa được nhiều người biết đến, sĩ số tăng, khiến “lớp học tại gia” hơn chục mét vuông quá tải. Được sự đồng ý của sư thầy Thích Đàm Tiền - trụ trì chùa Hương Lan, cô chuyển lớp học về khuôn viên chùa và khai giảng vào ngày 14/9/2007.
Sau 26 năm, nhiều em học sinh đã “tốt nghiệp” và tìm được việc làm, tự nuôi sống bản thân. Hiện nay, trong số 58 học sinh, đã có 30 em biết chữ, biết hát 7 bài khác nhau. Kết quả tưởng như rất bình thường đó là công sức của cả một quá trình hàng chục năm cô và trò cùng nhau cố gắng, kiên trì, bền bỉ.
Nhắc đến cô giáo Lê Thị Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chương Mỹ Nguyễn Đức Hòa chia sẻ: “Chúng tôi thực sự tự hào về cô Hòa. Việc làm, nghĩa cử cao đẹp của cô đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, người lao động trong các trường trên địa bàn huyện làm thêm nhiều việc tốt”. Vừa qua cô giáo Lê Thị Hòa đã được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô Ưu tú" năm 2019.