Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lựa chọn người có đủ phẩm chất, uy tín tham gia Ban Chấp hành LĐLĐ TP

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 16/10, tại Cung Văn hoá lao động Hữu nghị Việt Xô, Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023-2028 khai mạc ngày làm việc thứ nhất.

Quang cảnh phiên khai mạc ngày làm việc thứ nhất Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII.
Quang cảnh phiên khai mạc ngày làm việc thứ nhất Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII.

Đây là đợt sinh hoạt chính trị dân chủ, sâu rộng, là ngày hội của cán bộ, đoàn viên Công đoàn và của các cấp Công đoàn Thủ đô theo phương châm: “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”. Đại hội diễn ra trong 2 ngày 16 và 17/10 với sự tham gia của 550 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) Thủ đô.

Tham dự Đại hội có đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, các ban Đảng của Thành ủy Hà Nội; đại diện lãnh đạo HĐND, UBND TP, đoàn thể chính trị xã hội TP Hà Nội.

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc ngày làm việc thứ nhất, sáng 16/10
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc ngày làm việc thứ nhất, sáng 16/10

Đại hội trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng

Phát biểu khai mạc ngày làm việc thứ nhất tại Đại hội, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội khoá XVI Phạm Quang Thanh cho biết, để tiến tới tổ chức Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII, từ đầu năm 2023 đến nay, hơn 8.000 Công đoàn cơ sở và 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn các cao đẳng, đại học trực thuộc LĐLĐ TP đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đại hội Công đoàn các cấp đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên Công đoàn Thủ đô.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP, trong quá trình chuẩn bị Đại hội đã có hàng nghìn ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đóng góp vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội; đồng thời, bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan đến tổ chức Công đoàn và người lao động.

Bên cạnh đó, nhiều phong trào thi đua yêu nước, các công trình, phần việc lập thành tích chào mừng Đại hội đã được các cấp công đoàn phát động và triển khai trên toàn TP. Qua phong trào thi đua chào mừng Đại hội, xuất hiện nhiều việc làm tốt, nhiều sáng kiến cái tiến kỹ thuật, nhiều công trình có ý nghĩa thiết thực trên nhiều lĩnh vực. Đó là những bông hoa đẹp, thể hiện tình cảm sâu sắc của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ hướng về Đại hội.

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội khóa XVI, Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đặt ra nhiệm vụ mới cho tổ chức công đoàn, để tổ chức Công đoàn thực sự là chỗ dựa tin cậy, là người bạn đồng hành của đoàn viên và người lao động. Đồng thời, để mỗi cán bộ Công đoàn có đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động...

"Tình hình trên đặt ra những yêu cầu mới, đòi hòi các cấp Công đoàn Thủ đô phải tiếp tục kế thừa và phát huy những kết quả đã được trong nhiệm kỳ qua, phát huy dân chủ, trí tuệ, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”"- Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội khóa XVI nhấn mạnh.

Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại Đại hội
Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh phát biểu tại Đại hội

Từ những yêu cầu, nhiệm vụ nêu trên, Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVII có nhiệm vụ đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Nghị quyết khoá XVI, chỉ ra những hạn chế và rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với đó, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ mới; đóng góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và góp ý sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; bầu Ban Chấp hành LĐLĐ TP khóa mới; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XIII gồm những đồng chí có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh chính trị, có trí tuệ và năng lực tổ chức, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP lần thứ XVII đề ra.

Với tinh thần “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Chủ tịch LĐLĐ TP khóa XVI Phạm Quang Thanh đề nghị mỗi đại biểu tập trung trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp vào thành công của Đại hội, mở ra trang mới trong hoạt động của Công đoàn Thủ đô, góp phần xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với sự kỳ vọng và niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô.

550 đại biểu đủ tư cách tham dự Đại hội

Tại phiên làm việc sáng 16/10, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ TP Tạ Văn Dưỡng đã trình bày báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội. Cụ thể, có tổng số 550 đại biểu được triệu tập dự Đại hội, trong đó có 51 đại biểu đương nhiên (chiếm tỷ lệ 9,3%); đại biểu bầu là 472 đại biểu (chiếm tỷ lệ 85,5%); có 27 đại biểu chỉ định (chiểm tỷ lệ 4,9%); có 11 đại biểu dự khuyết thay thế đại biểu chính thức (chiếm tỷ lệ 2%).

Về trình độ chuyên môn, có 396 đại biểu độ Đại học (chiếm tỷ lệ 55,6%); có 214 đại biểu có trình độ trên Đại học (chiếm 38,9% - trong đó có 19 Tiến sĩ). Về lý luận chính trị, có 179 đại biểu trình độ Trung cấp (chiếm tỷ lệ 32,5%); có 228 đại biểu trình độ Cao cấp và tương đương (chiếm tỷ lệ 41,5%).

Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Đại hội

Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ TP cho biết, đến thời điểm này, qua theo dõi tổng hợp, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu không nhận được đơn thư tố cáo, khiếu nại của tập thể, cá nhân liên quan đến đại biểu. Vì vậy, căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII và Hướng dẫn số 03/HD- TLĐ ngày 20/2/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu thống nhất có 550 đại biểu đủ tư cách dự Đại hội.

Phiên làm việc của Đại hội cũng trình bày tóm tắt tổng hợp ý kiến tham gia vào văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, văn kiện Đại hội Công đoàn TP Hà Nội và đóng góp dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (bổ sung, sửa đổi). Đại hội cũng nghe báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành LĐLĐ TP Hà Nội khoá XVI và Dự thảo Đề án nhân sự Ban Chấp hành LĐLĐ TP khoá XVII, nhiệm kỳ 2023-2028.

Chủ tịch LĐLĐ TP Phạm Quang Thanh cho biết, việc lựa chọn nhân sự tham gia Ban Chấp hành LĐLĐ TP Hà Nội khoá XVII, nhiệm kỳ 2023-2028 phải đảm bảo tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu theo quy định, trong đó chất lượng, tiêu chuẩn cán bộ là chính. Lựa chọn nhân sự có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phấm chất năng lực và uy tín lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội Công đoàn TP lần thứ XVII. Từ đó góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam - nhất là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.