Trước đây, quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng được quy định trong một số điều luật nhưng không đầy đủ, không đồng bộ, toàn diện và hệ thống. Trong khi nhu cầu thông tin của người dân đang ngày càng gia tăng, nhất là các thông tin liên quan đến lĩnh vực quy hoạch đất đai, giao thông, xây dựng, giải phóng mặt bằng... Việc công khai và cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu.
Thực tế, vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức lợi dụng vị trí đặc quyền nắm giữ thông tin để trục lợi, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, do việc cung cấp thông tin chính thống, chính xác chưa đầy đủ, kịp thời, trong một số trường hợp cũng tạo cơ hội cho những thông tin không đúng sự thật, gây dư luận xấu, ảnh hưởng tới sự đồng thuận xã hội...
|
Người dân xem bản đồ quy hoạch dự án xây dựng tại một cuộc triển lãm ở Hà Nội. Ảnh: Hải Linh |
Vì vậy, Luật Tiếp cận thông tin được xác định là một trong những luật quan trọng bảo đảm “quyền được biết” của người dân. Luật đã quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, thông tin công dân được tiếp cận, không được tiếp cận; cách thức tiếp cận thông tin, các hành vi bị nghiêm cấm; khiếu nại, khởi kiện, tố cáo, xử lý vi phạm...
UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đôn đốc việc triển khai thi hành Luật Tiếp cận thông tin. Theo đó, TP yêu cầu bố trí đơn vị, bộ phận hoặc người làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị mình. Duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin mà cơ quan, đơn vị mình có trách nhiệm cung cấp cho công dân, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu… |
Điểm đáng chú ý, Điều 17 của Luật đã quy định 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước, từ cấp phường, xã trở lên phải công khai rộng rãi, đó là những thông tin liên quan mật thiết đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân. Trong đó có những thông tin rất quan trọng như: Thông tin về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách Nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, phương án bồi thường, GPMB… Luật cũng nghiêm cấm hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; cung cấp hoặc sử dụng thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, gây kỳ thị về giới, gây thiệt hại về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức…
Tác động tích cực đến xã hộiVề trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc xác định đơn vị, cá nhân làm đầu mối cung cấp thông tin; lập, cập nhật, công khai Danh mục thông tin phải được công khai; duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin có trách nhiệm cung cấp, bảo đảm thông tin có hệ thống, đầy đủ, toàn diện, kịp thời, dễ dàng tra cứu; rà soát, phân loại, kiểm tra và bảo đảm tính bí mật của thông tin trước khi cung cấp… Trong đó, Bộ TT&TT giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn kỹ thuật các biện pháp và quy trình bảo vệ thông tin và bảo vệ các hệ thống quản lý thông tin. UBND tỉnh có trách nhiệm thi hành các biện pháp bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân theo hướng dẫn của Chính phủ…
Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách, từ cơ chế bảo đảm quyền tiếp cận thông tin sẽ hình thành cơ chế giám sát có hiệu quả từ công chúng tới các hoạt động của cơ quan công quyền. Việc tiếp cận thông tin dễ dàng sẽ khắc phục những thiệt hại, các chi phí cho người dân và chi phí cơ hội cho DN…
Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ TT&TT (Liên hiệp Các hội KH&KT Việt Nam) Lê Văn Nghiêm nhận định, việc thực hiện Luật Tiếp cận thông tin là trách nhiệm nặng nề của cơ quan Nhà nước các cấp khi phải thực hiện một khối lượng công việc lớn, mới mẻ và cần có những điều kiện và nguồn lực cần thiết. Bởi thế, việc đáp ứng quyền thông tin của người dân trong thời gian đầu sẽ không tránh khỏi khó khăn, lúng túng, nhưng đó là việc hết sức cần thiết của một Chính phủ kiến tạo và phục vụ, thể hiện tinh thần công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.