Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật hóa việc hòa giải tại tòa, giảm chi phí cho xã hội

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hòa giải, đối thoại tại tòa là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, không những làm giảm chi phí cho ngân sách mà còn giảm được chi phí cho xã hội nên cần phải khuyến khích. Đó là quan điểm nhận được sự đồng tình khi Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

 
Kênh giải quyết tranh chấp mới
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tòa giải quyết. Cùng với đó, trong 3 năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình hàng năm là 9%, đặc biệt tại các TP lớn. Thời gian qua, TANDTC đã mở rộng triển khai thí điểm hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, TP, qua 3 tháng đầu tiên triển khai đã hòa giải thành, đối thoại thành được 15.016 vụ, đạt tỷ lệ 74,08%. Thực tiễn thí điểm cho thấy, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, đối thoại tại tòa đã giảm khoảng 80% chi phí so với mức chi để xét xử một vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

Tán thành sự cần thiết của Dự Luật, như nhiều ý kiến nhận định, đây là một cơ chế pháp lý mới có tính đặc thù, sẽ huy động được nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng tòa án thực hiện công tác hòa giải, đối thoại. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, hòa giải, đối thoại tại tòa án là một kênh giải quyết tranh chấp mới. Qua tổng kết thí điểm thực hiện cơ chế này, các vụ việc lao động, thương mại, tranh chấp hợp đồng kinh tế giá trị lớn đạt tỷ lệ ít mà chủ yếu là hôn nhân gia đình. Do đó nếu như có cơ chế khuyến khích, có sự tổ chức nhân những điểm tốt lên, có thể tỷ lệ hòa giải các vụ việc dân sự, lao động, thương mại sẽ dần tăng lên. “Dù được ít cũng giảm tải cho tòa án, huy động được trí tuệ của những người đã làm nghề, đã nghỉ hưu, tạo ra không khí xã hội mềm mại, nhẹ nhàng, tránh căng thẳng nếu đưa nhau ra tòa; đồng thời giữ được bí mật cho các DN hoạt động thương mại” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu quan điểm.

Khuyến khích người dân tham gia

Để khuyến khích người dân sử dụng cơ chế mới này, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần bảo đảm kinh phí cho hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị, nên thu lệ phí đối với một số trường hợp cụ thể nhằm giảm chi phí cho ngân sách Nhà nước.

Dự Luật đưa ra 2 phương án. Phương án 1, Nhà nước không thu lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại tại tòa án. Phương án 2, Nhà nước thu lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại đối với các trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về kinh doanh, thương mại.

Từ kết quả thực tiễn thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong điều kiện hiện nay, vấn đề hòa giải không những làm giảm chi phí cho ngân sách, cho tòa án, mà còn giảm được chi phí cho xã hội. Do đó, cần phải có chính sách khuyến khích, hỗ trợ từ ngân sách.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, để khuyến khích người dân tìm đến cơ chế hòa giải, đối thoại, giảm bớt thời gian công sức chi phí của tòa án để xét xử những vụ đó thì chưa nên quy định thu phí. Chủ tịch Quốc hội cũng ủng hộ việc không đặt ra việc thu đối với những trường hợp hòa giải, đối thoại tại tòa về hôn nhân gia đình, nhưng lại băn khoăn nếu như không đặt ra khoản thu đối với trường hợp hòa giải, đối thoại như: Tranh chấp thương mại, mua bán, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề xuất, có thể giai đoạn đầu không thu khoản này.

Một số quan điểm đề nghị quy định theo hướng: Chưa thu phí, lệ phí đối với hoạt động đối thoại, hòa giải tại tòa trong vòng 5 năm đầu để tạo điều kiện thu hút người dân sử dụng cơ chế này; sau 5 năm sẽ tính toán về việc thu phí, lệ phí đối với các tranh chấp dân sự, thương mại.