Tuy nhiên, một trong những nội dung của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 hiện đang gây tranh cãi: Nếu không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thực hiện theo luật nào?
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật Hình sự”.
Phân tích quy định tại điều khoản này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, các tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 Bộ luật Hình sự rất rộng, có đến 83 tội. Điều đó tác động tâm lý người bào chữa sẽ hình thức, sợ tai nạn nghề nghiệp vì việc khách hàng trình bày với luật sư là khách quan mà không thể lường hết được. Trong khi đó, Điều 73 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định “người bào chữa không được tiết lộ thông tin về vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, trừ trường hợp người này đồng ý bằng văn bản…”, và không quy định “thòng” là “trừ trường hợp pháp luật quy định khác”.
“Hai bộ luật trên gắn bó hữu cơ với nhau, và không bao giờ khách hàng đồng ý luật sư tố giác mình. Trong khi đó, khoản 3 Điều 19 Bộ luật Hình sự 2015 lại quy định, tiết lộ thông tin do khách hàng cung cấp ở cấp độ cao hơn là tố giác họ phạm tội. Điều này trái với đạo đức nghề của luật sư không làm xấu đi tình trạng của thân chủ do mình bào chữa. Như vậy, luật sư thực hiện theo luật nào?” - ông Chiến băn khoăn.
Dĩ nhiên, theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội và nguyên tắc suy đoán vô tội, luật sư phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự: “Cấm luật sư tiết lộ thông tin của khách hàng trong khi thực hiện hoạt động bào chữa”.
Ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp
Theo các chuyên gia pháp lý, nếu người bào chữa đi tố giác thân chủ do mình phải bảo vệ, bào chữa thì chắc chắn dẫn đến hệ quả xấu trong quan hệ giữa luật sư với thân chủ. Kể từ thời điểm luật sư tố giác, thân chủ sẽ mất niềm tin ở luật sư, thậm chí họ tố ngược luật sư vu khống. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp luật sư bởi không ai còn tin tưởng luật sư, mời họ làm người bào chữa.
Ông Trương Văn Dũng (Hội Luật gia Hà Nội) nêu vấn đề, kinh nghiệm quốc tế và theo Luật Luật sư và Bộ luật Tố tụng Hình sự, đặc quyền về nghề nghiệp của luật sư là giữ bí mật thông tin cho khách hàng. Nếu khách hàng biết được điều luật này sẽ e ngại mời luật sư, gây khó khăn cho đội ngũ luật sư trong hoạt động nghề nghiệp.
Trong khi đó, luật sư Huỳnh Phương Nam (thành viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội) nhận định, nếu không có sự chia sẻ thông tin trung thực giữa người bị buộc tội với luật sư thì luật sư không thể hoàn thành tốt được nhiệm vụ bào chữa cho thân chủ của mình. Vì vậy, việc giữ bí mật thông tin, bảo đảm tốt nhất lợi ích của khách hàng phải được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ của luật sư với khách hàng. Ngoài ra, rất khó có căn cứ để xác định những thông tin khách hàng tiết lộ có đúng sự thật hay không.