Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật sư Nguyễn Đăng Tư: Công tác thanh tra, giám sát góp phần giảm tranh chấp

Thành Tâm (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân phát sinh nhiều trong thời gian gần đây có một phần lỗi từ việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng... là nhận định của Luật sư Nguyễn Đăng Tư (Văn phòng luật TriLaw) với báo Kinh tế & Đô thị.

Theo ông Nguyễn Đăng Tư, nếu việc thanh tra, kiểm tra giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được thực hiện hiệu quả hơn sẽ giảm thiểu được những tranh chấp này.
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân sau khi bàn giao, tiếp nhận căn hộ. Theo ông, những mâu thuẫn này do đâu mà có?
- Mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không phải bây giờ mới có, mà trước đây cũng từng xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, các vụ tranh chấp xuất hiện ngày một nhiều hơn, mâu thuẫn bùng phát ngày một cách mạnh mẽ hơn với mức độ và quy mô lớn hơn. Điều này, trước tiên xuất phát từ nhu cầu nhà ở ngày một lớn hơn tại TP Hồ Chí Minh - nơi có số dân đông nhất cả nước. Thế nhưng, sự tăng trưởng về số lượng tòa nhà chung cư phần nào đó đã không theo kèm chất lượng; nhiều chủ đầu tư, có thể đã "nặng" mục tiêu lợi nhuận, nên đã phần nào "nhẹ" sự quan tâm tới quyền lợi của người mua nhà.
Theo quan sát, nguyên nhân chính của các tranh chấp, mâu thuẫn thường xuất phát từ việc chủ đầu tư tự ý sửa đổi công năng của một số khu vực trong dự án, thậm chí tự ý sửa đổi thiết kế, quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép lúc ban đầu. Tệ hại hơn, nhiều chủ đầu tư xây dựng không đảm bảo, khiến chất lượng công trình, dự án xuống cấp nghiêm trọng sau khi hết hạn bảo hành. Những điều vừa nêu ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của cư dân nên họ phải lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình, từ đó phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp với chủ đầu tư.
Một số ý kiến cho rằng, để giảm thiểu tình trạng mâu thuẫn phát sinh của cư dân với chủ đầu tư sau khi bàn giao nhà, cần có sự giám sát quy hoạch từ phía các cơ quan chức năng như Sở QH-KT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng... Quan điểm của ông về việc này thế nào?
- Trên thực tế, vai trò giám sát của các cơ quan Nhà nước đều đã được quy định rất rõ, mỗi Sở đều có phòng thanh tra để quản lý các vấn đề này. Tuy nhiên, thời gian gần đây xảy ra nhiều tình trạng mâu thuẫn, tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân có một phần lỗi từ việc buông lỏng quản lý và thiếu kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, nhất là  việc thiếu giám sát chủ đầu tư thực hiện đúng qui hoạch dự án, thiết kế công trình được cấp phép. Nếu việc thanh tra, kiểm tra giám sát của các cơ quan chức năng được thực hiện hiệu quả hơn thì tôi nghĩ, chủ đầu tư sẽ  thực hiện dự án đúng qui hoạch, thiết kế,... theo qui định, chất lượng công trình được đảm bảo, quyền lợi cho chính khách hàng của họ được  tôn trọng, từ đó hạn chế mâu thuẫn phát sinh.
Trong trường hợp các chủ đầu tư chây lỳ, thì người dân phải làm gì để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, thưa ông?
- Khi xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, theo tôi, dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì trước hết các bên cũng cần bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách đúng đắn, từ đó đưa ra cách hành xử văn minh, không nên manh động, dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật. Thực tế, khi mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra, cư dân sẽ có nhiều biện pháp khác nhau để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Chẳng hạn như: Người dân có thể tự mình hoặc thông qua Ban quản trị chung cư để gửi văn bản kiến nghị trực tiếp đến chủ đầu tư hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như Sở Xây dựng, Sở QH-KT, Sở TN&MT, Cơ quan Cảnh sát PCCC... để yêu cầu thanh tra, kiểm tra những vi phạm của chủ đầu tư; thậm chí có thể kiện chủ đầu tư ra tòa. Điều này vừa thể hiện việc bảo vệ quyền lợi của người dân là văn minh, chính đáng, vừa khiến chủ đầu tư phải thận trọng hơn khi hành xử với người mua nhà.
Xin cảm ơn ông!