Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa tới hồi kết

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cổ phần hóa (CPH) thành công Hãng phim truyện Việt Nam chưa đem lại sự yên bình.

Mới đây, nghệ sĩ và cán bộ nhân viên Hãng phim tiếp tục gửi đơn kêu cứu lên Hội Điện ảnh Việt Nam bức xúc về đời sống và thương hiệu của hãng.

Dồn phòng cho quán phở thuê

Mảnh đất số 4 Thụy Khuê luôn được xem là đất vàng, nhưng cơ sở xập xệ của Hãng phim truyện Việt Nam “nổi tiếng” nhiều năm nay. Những ngày gần đây, phóng viên tới liên hệ làm việc xung quanh lá đơn kêu cứu, càng rõ cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Một loạt căn phòng được dùng làm kho chứa đạo cụ nay trống không, đổ nát và bốc mùi ẩm mốc.

Cuối tuần qua, nhóm đạo diễn, biên kịch và quay phim của Hãng hẹn một số phóng viên để ca thán. Nỗi bức xúc đầu tiên là việc 3 phòng bị dồn lại một phòng để dành toàn bộ dãy nhà cấp bốn quay ra mặt đường Thụy Khuê cho thuê. Theo cán bộ, công nhân viên ở đây, hậu CPH, lãnh đạo Tổng Công ty (TCT) Vận tải thủy bắt họ tự kiếm việc làm, tự trả lương, còn nếu muốn nhận lương phải điểm danh đủ 8 tiếng giờ hành chính. “Những lúc đêm về thức trắng viết kịch bản, sáng tác thì ai tính cho chúng tôi” - đại diện Phòng Biên kịch nói. Ông Vũ Quốc Tuấn - Phó trưởng phòng Quay phim cho rằng, việc dồn phòng có thể chấp nhận, nhưng mục đích lại để cho thuê. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát bức xúc, công ty chủ quản không hiểu về phim ảnh nên một số thiết bị, phục trang và phòng dựng vẫn có thể cho thuê, nhưng không được tận dụng, trong khi đó họ cho thuê lại mặt bằng để bán hàng ăn.

Khu đất vàng số 4 Thụy Khuê của Hãng phim truyện Việt Nam. Ảnh: Vũ Nhật

Trong lá đơn kêu cứu ngày 9/9 và những chia sẻ của một số nghệ sĩ tâm huyết với Hãng phim sáng 16/9, cán bộ, nhân viên của Hãng rất bức xúc vì đại diện TCT Vận tải thủy không làm đúng cam kết: Trước CPH, họ hứa đảm bảo mức lương theo quy định với 85 thành viên còn lại của Hãng bình quân 4 triệu đồng cho năm 2017. Thực tế, sau khi CPH, cán bộ vẫn giữ nguyên mức lương trước CPH, thấp nhất có người nhận 540.000 đồng. Diễn viên Quốc Tuấn là người có mức lương thấp nhất này. Chia sẻ với báo giới sáng 16/9, anh nói không nhận vì thấy không thỏa đáng. Tháng 8, chỉ một số cán bộ nhận tạm ứng, thấp nhất 1 triệu đồng và có sự chênh lệch. “Bảng lương không theo nguyên tắc nào, không có hợp đồng gì. Tôi thấy đây là cách làm việc vô nguyên tắc, không thể chấp nhận với ngành nghề đặc thù như làm phim” - ông Lê Hồng Sơn - Phó Trưởng Phòng Hợp tác sản xuất nói.

Xóa sổ việc làm phim?

Không phải tới bây giờ nghệ sĩ và dư luận mới băn khoăn về cổ đông chiến lược duy nhất của Hãng phim truyện Việt Nam là TCT Vận tải thủy, bởi ngành nghề không chút liên quan tới sản xuất phim. Sau quá trình CPH, nghệ sĩ tiếp tục bức xúc về một số việc làm của đại diện TCT: Dọn dẹp hơn 200 cuốn kịch bản của Hãng trong hàng chục năm qua.

“Tôi từng công tác ở Hãng 10 năm trước khi chuyển về trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh vẫn thấy xót xa. Tài sản lớn nhất của biên kịch là kịch bản không còn, vậy nghệ sĩ còn niềm tin để làm phim?” - chị Trần Thị Thanh Hồng nói trong nước mắt. Biên kịch Tống Thị Phương Dung kể, cuối tháng 8, ban lãnh đạo mời biên kịch lên làm việc và nói rằng, biên kịch không cần đến Hãng cho khỏi... tốn điện. Hơn thế, chiếc tủ chứa kịch bản trống trơn do họ gọi Viện Phim Việt Nam tới dọn dẹp sạch sẽ. Trước đó, một số nghệ sĩ cũng bức xúc vì ban lãnh đạo mới cho dọn hết cả kho đạo cụ, chuyển tới kho của công ty ở cách xa Hãng.

“Việc làm của công ty gây thất vọng, không đúng cam kết - đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo lương tối thiểu cho anh em. CPH, thậm chí tồi tệ hơn hồi trước” - nhà biên kịch Nguyễn Xuân Thành nói. Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn đồng quan điểm, cho rằng nghệ sĩ rất hy vọng ở việc CPH đưa Hãng phim đi lên, nhưng thực tế lại gây thất vọng. Các nghệ sĩ cũng hoang mang vì sau hơn 2 tháng CPH, các hoạt động liên quan đến phim ảnh gần như không nhúc nhích. Lá đơn kêu cứu của nghệ sĩ thậm chí còn cho rằng ban lãnh đạo của cổ đông chiến lược vi phạm cam kết, “mục đích chỉ lợi dụng kẽ hở CPH để chiếm đất mà không hề muốn phát triển Hãng”.