Theo Reuters, Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera hôm 8/9 tuyên bố, do lo ngại về một đợt tăng giá khác, nên Liên minh châu Âu (EU) chưa xem xét kế hoạch ngắn hạn để cấm LNG của Nga trong bối cảnh lượng nhập khẩu vào khối này tăng vọt.
Tây Ban Nha đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU tới cuối tháng 12/2023 và nước này sẽ được quyền ưu tiên ban hành các quyết định lập pháp của toàn khối.
Bộ trưởng Ribera cho biết, cảm giác lo ngại về tình trạng khan hiếm của cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu vào năm 2022 vẫn chưa tan biến hết.
Theo Bộ trưởng Ribera, Ủy ban châu Âu và các nước thành viên EU muốn tránh xảy ra những bất ổn, tương tự như năm ngoái.
Tuy nhiên, bà Ribera cảnh báo, nếu diến biến của xung đột Nga-Ukraine không thay đổi, rất có thể lệnh cấm sẽ được đưa ra.
Theo Bộ trưởng Ribera, chính phủ Tây Ban Nha đã xem xét về việc ngăn chặn nhập khẩu LNG của Nga, nhưng không có cơ sở pháp lý nào để ban hành một lệnh cấm mà không có quan điểm nhất trí của EU vì đây là hoạt động thương mại bên ngoài khối.
Bà cũng kêu gọi các công ty EU không ký thêm các hợp đồng cung cấp mới với Nga và minh bạch hơn về nguồn LNG mà họ nhập khẩu vào EU, để phòng tránh rủi ro.
Trước đó, vào tháng 6/2022, EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu của Nga, nhưng không cấm nhập khẩu LNG.
Các lệnh trừng phạt sâu rộng của phương Tây khiến doanh thu xuất khẩu năng lượng của Nga đã giảm đáng kể, nhưng mặt hàng này vẫn mang về cho Nga hàng tỷ USD lợi nhuận.
Trong thời gian từ tháng 1-7/2023, nhập khẩu LNG từ Nga vào EU đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Khác với việc mặt hàng dầu bị “đóng băng”, dòng chảy LNG từ Nga vào EU đến nay chưa có dấu hiệu chậm lại.
Công ty tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels tính toán, châu Âu đã trả cho Nga khoảng 12,85 tỷ USD nhập khẩu LNG từ tháng 3/2022-2/2023.
Trong số các thành viên thuộc khối này, Tây Ban Nha là khách hàng mua LNG lớn thứ hai của Nga trên toàn cầu.
Dữ liệu của Kpler cho thấy LNG của Nga chiếm 21,6 triệu, tương đương 16%, trong tổng số 133,5 triệu mét khối LNG nhập khẩu của EU (tương đương 82 tỷ m3 khí đốt tự nhiên) từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, khiến Nga trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của EU, sau Mỹ.
EU đã đặt ra mục tiêu tổng thể nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, nhưng các quan chức cảnh báo rằng lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu LNG có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng giống như năm ngoái khi giá khí đốt của EU đạt mức cao kỷ lục hơn 300 euro/megawatt giờ.
Trong những tuần gần đây, những lo ngại về nguy cơ xảy ra đình công ở Australia - một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới - đã đẩy giá khí đốt ở châu Âu tăng cao. Các chuyên gia năng lượng dự đoán biến động giá trên thị trường khí đốt châu Âu sẽ tiếp tục diễn ra trong ngắn hạn.
Đúng như cảnh báo của giới chuyên gia, giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt tới 12% trong ngày 8/9 sau thông tin về cuộc đình công tại cơ sở sản xuất LNG của Australia.
Reuters đưa tin, công nhân tại nhà máy LNG của công ty năng lượng Mỹ Chevron tại Australia bắt đầu đình công từ ngày 8/9 sau khi các cuộc đàm phán về lương và việc làm không đạt được thỏa thuận.
Trước đó, hôm 5/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất thực hiện lâu dài kế hoạch của EU về mua chung khí đốt nhằm đảm bảo nhu cầu của các nước thành viên cũng như tránh phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga.
Tháng trước, EU đã đạt mục tiêu lấp đầy 90% công suất của các cơ sở lưu trữ khí đốt trước thời hạn khoảng 2,5 tháng, củng cố hy vọng khối đã đảm bảo đủ nguồn cung cấp nhiên liệu để giữ ấm cho các gia đình trong mùa Đông.
Mặc dù vậy, EU vẫn lo ngại nguy cơ khan hiếm khí đốt nếu một sự cố bất ngờ xảy ra trong tương lai như vụ nổ đường ống khí Nord Stream 2 dưới Biển Baltic hồi tháng 9 năm ngoái.
Một quan chức EU cảnh báo, mặc dù các kho chứa khí đốt ở châu Âu đã đầy hơn 90% trước mùa đông năm nay nhưng vẫn có “rất nhiều lo lắng” nếu nguồn cung tiếp tục bị cắt giảm.
Theo Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và tài nguyên thiên nhiên tại Công ty Tư vấn Chính trị Eurasia Group, việc ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống ở Ukraine hoặc việc đình chỉ vận chuyển LNG của Nga là hai rủi ro lớn nhất với thị trường khí đốt châu Âu.