Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lý do tạp chí Anh đánh giá thị trường phim Việt đầy tiềm năng

Theo Anh Tuấn/báo Lao Động
Chia sẻ Zalo

Screen Daily, tạp chí Anh chuyên viết về kinh doanh phim quốc tế có bài viết đánh giá cao triển vọng ngành phim Việt Nam, trong đó, dự báo Việt Nam sẽ “trở thành thị trường nội dung phát triển hàng đầu Đông Nam Á trong 5 năm tới”.

Ảnh chụp trang có bài viết về điện ảnh Việt Nam trên tạp chí Anh Screen Daily.
Ảnh chụp trang có bài viết về điện ảnh Việt Nam trên tạp chí Anh Screen Daily.

Screen Daily nhận xét, Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường nội dung năng động bậc nhất Đông Nam Á với số lượng phim sản xuất gia tăng, các kỷ lục phòng vé ấn tượng và ngày càng nhiều giải thưởng quốc tế.

Đầu năm nay, “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm trở thành phim tài liệu đầu tiên vào danh sách rút gọn Phim Tài liệu xuất sắc nhất ở giải Oscar. Phạm Thiên Ân với “Bên trong vỏ kén vàng” cũng giành chiến thắng hạng mục Camera Vàng tại Liên hoan phim Cannes danh tiếng.

Những con số tăng trưởng ấn tượng

Dẫn số liệu Box Office Vietnam, Screen Daily cho biết, 6 tháng đầu năm 2023 chứng kiến thị trường điện ảnh Việt có doanh thu tăng trưởng ấn tượng. Tổng số vé bán ra đạt 23 triệu vé, tương đương cùng kỳ năm 2019 (năm ghi nhận số vé cao kỷ lục là 48 triệu vé). Doanh thu 7 tháng đầu năm ước đạt 92,6 triệu USD (2,2 nghìn tỉ đồng), tăng 58,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự gia tăng này có đóng góp lớn từ 2 “bom tấn” nội địa: “Nhà bà Nữ” và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”. “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành có doanh thu 475 tỉ đồng; trong khi phần thứ 6 series “Lật mặt” của Lý Hải có doanh số 272,8 tỉ đồng. Riêng 2 phim này đã đóng góp 38% doanh thu toàn thị trường.

Hai phim khác cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng là “Siêu lừa gặp siêu lầy” của Võ Thanh Hòa và “Chị chị em em 2” của Vũ Ngọc Đãng, bộ phim có sự góp mặt của 2 mỹ nhân Việt Minh Hằng và Ngọc Trinh. Cả 2 đều ghi tên mình vào “Câu lạc bộ trăm tỉ”. Ngay cả các siêu phẩm Hollywood cũng chịu thất thế trước phim Việt trong giai đoạn này (chỉ duy nhất Fast X cán mốc 100 tỉ đồng).

Với quy mô dân số 100 triệu, doanh thu phòng vé tăng bình quân 10%/năm từ giữa thập niên 2010. Nhờ sự xuất hiện của các công ty Hàn Quốc CJ ENM và Lotte Entertainment, số lượng rạp chiếu trên cả nước tăng vọt. Trong thế buộc phải cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, nhiều công ty nội địa như Galaxy và BHD cũng phải hiện đại hóa các rạp chiếu của mình.

CJ và Lotte đầu tư sản xuất phim, trước hết là Việt hóa các phim Hàn nổi tiếng như “Em là bà nội của anh” và “Tháng năm rực rỡ”. CJ đã hợp tác với một công ty trong nước là HKFilm. Liên danh CJ HK chính là đơn vị góp vốn và phát hành “Nhà bà Nữ”. Lotte Entertainment cũng thu được thành công với “Hai Phượng” và “Tiệc trăng máu”.

Kết nối với thị trường Mỹ

Giữa thập niên 2000 chứng kiến làn sóng các đạo diễn Việt kiều từ Mỹ trở về nước làm phim. Những người như Victor Vũ, anh em Charlie Nguyễn và Jonny Trí Nguyễn, Lê Văn Kiệt, Hàm Trần, Timothy Linh Bùi đã mang đến gu thưởng thức điện ảnh mới lạ cho khán giả trong nước.

Đồng thời họ cũng kết nối các bộ phim sản xuất trong nước với thị trường điện ảnh Mỹ, nơi có số lượng kiều bào lớn nhất thế giới, do đó là thị trường lớn đối với nội dung giải trí tiếng Việt.

“Bố già” trở thành phim Việt đầu tiên đạt doanh thu 1 triệu USD Mỹ tại phòng vé Bắc Mỹ.

Thiên A Phạm, người Mỹ gốc Việt, sáng lập hãng 3388 Films - đơn vị phát hành một số phim Việt tại thị trường Bắc Mỹ cho biết: “Trước đây phải vài năm mới có 1-2 phim Việt phát hành tại Bắc Mỹ. Hiện tại con số đó là từ 4-6 phim mỗi năm. Xu thế này là dấu hiệu tích cực cho thấy vẫn còn có những tiềm năng thị trường chưa được khai phá hết đối với các bộ phim nói tiếng Việt.

Năm 2021, chúng tôi phát hành “Bố già” ở 50 rạp chiếu tại Bắc Mỹ. Đó là con số nhiều nhất đối với một phim Việt Nam. Đến nay nó đã trở thành tiêu chuẩn với mọi phim Việt phát hành ở thị trường này. Từ giờ con số đó sẽ chỉ có tăng lên mà thôi”.

Tuy nhiên, điện ảnh Việt Nam vẫn thiếu một bộ phim có sức hút đột phá với khán giả quốc tế (chứ không chỉ cộng đồng nói tiếng Việt).

Nếu các nhà làm phim Việt nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đồng thời làm tốt hơn khâu quảng bá bán hàng, ví dụ như thiết lập gian hàng Việt Nam tại các liên hoan phim lớn trên thế giới như Cannes, Busan, điện ảnh Việt chắc chắn sẽ được hưởng lợi.