Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ma túy đá - hiểm họa khôn lường

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, trào lưu “đập đá” tiếp tục gia tăng, đặc biệt phổ biến trong một bộ phận giới trẻ. Gây rối loạn tâm thần, ảo giác, không kiểm soát được hành vi, đã có không ít trường hợp kẻ bị ngáo đá gây ra những hậu quả khôn lường. Thậm chí có không ít vụ giết người liên quan đến ngáo đá.

Trong tình trạng ngáo đá, nghi phạm Nguyễn Hoàng Nam đã sát hại những người thân của mình.
Liên tiếp tội ác do ngáo đá

Công an TP Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục lấy lời khai Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993; trú tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) do có hành vi sát hại 4 người vào ngày 11/3 trong tình trạng ngáo đá. Sau khi sát hại bà Bùi Thị Nết (SN 1961, người thân của bạn gái) ở Long An, Nam đã về TP Hồ Chí Minh sát hại cha mẹ ruột và bà nội của mình.

Trước đó, liên tiếp các vụ việc liên quan đến ngáo đá đã xảy ra. Rạng sáng 5/3, Võ Văn Giàu (21 tuổi) và Phạm Văn Son (23 tuổi), cùng trú huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận), rủ nhau chơi ma túy đá trong một căn nhà hoang. Giàu lấy dao đâm Son khiến nạn nhân tử vong. Khi bị lực lượng công an khống chế, Giàu đã lấy dao đâm trúng mắt một thiếu úy cảnh sát gây thương tích nặng.

Trước đó, ngày 25/2, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Mong Văn Hòa (30 tuổi; trú tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) để điều tra hành vi giết người. Hòa bị ngáo đá và khống chế 2 cô gái tại Khu đô thị Văn Khê (quận Hà Đông, Hà Nội).

Mới đây, ngày 7/3 TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với ca sĩ Châu Việt Cường về tội "Giết người". Sau khi sử dụng ma túy tổng hợp (MTTH), Cường nhét 33 nhánh tỏi vào miệng nạn nhân, khiến cô gái tử vong.

Xử lý nghiêm để cảnh tỉnh, răn đe

Các vụ việc ngáo đá xảy ra liên tiếp khiến người dân thực sự lo lắng. Theo các chuyên gia ngành y, dùng ma túy đá, MTTH dù chỉ một lần cũng có thể nghiện. Nguy hiểm nhất là chứng hoang tưởng ảo giác, gọi là trạng thái ngáo đá. Rơi vào trạng thái này, con người không còn là chính mình, một người hiền lành cũng có thể trở nên hung hãn, có thể giết người.

Về việc phạm tội do ngáo đá, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại (Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, Bộ luật Hình sự hiện hành quy định “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Như vậy, những người bị ngáo đá phạm tội vẫn bị xử lý trách nhiệm hình sự vì người đó có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do chủ quan, không phải nguyên nhân khách quan là bị mắc bệnh tâm thần hay bệnh khác theo quy định tại điều 21 Bộ luật Hình sự.

Phạm tội do dùng chất kích thích mạnh bị “ngáo” không những phải chịu trách nhiệm hình sự mà trong một số trường hợp, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn những trường hợp bình thường. Như trường hợp người dùng bia, rượu, chất kích thích mạnh (ma túy đá) điều khiển tàu hỏa, máy bay, ô tô… gây tại nạn đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự do sử dụng các chất kích thích.

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại, việc sử dụng chất kích thích dẫn đến ngáo đá, mất khả năng kiểm soát hành vi có thể gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội, những vụ việc bị “ngáo” rồi gây án giết người cần phải xử lý nghiêm để cảnh tỉnh và răn đe, phòng ngừa chung.
Theo báo cáo của Bộ Công an, cả nước có 222.582 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó trên 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện bắt buộc; 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
Lần đầu tiên, Bộ Y tế có hướng dẫn can thiệp lạm dụng MTTH dạng Amphetamine. Theo đó, để điều trị cho người dùng MTTH cần can thiệp bằng thuốc và điều trị tâm lý, xã hội. Quá trình cai nghiện, các bác sĩ sẽ can thiệp tâm lý và hành vi, tư vấn, tăng cường động lực để hỗ trợ người lệ thuộc MTTH cai nghiện. Khi được điều trị bằng liệu pháp tâm lý, thầy thuốc, người thân và gia đình người lệ thuộc ma túy sẽ có vai trò hỗ trợ rất quan trọng.