KTĐT - Chính phủ Malaysia vừa tuyên bố hàng loạt các biện pháp cắt giảm chi tiêu trong năm 2010. Đây được coi là một bước đi táo bạo và nhiều rủi ro do sự phục hồi kinh tế mới chỉ bắt đầu.
Tuy nhiên, chính phủ Malaysia có nhiều lý do để cắt giảm chi tiêu. Lý do chính về kinh tế đó là cái giá cho việc thâm hụt ngân sách đang tăng lên.
Trong bài phát biểu đầu tiên về vấn đề ngân sách, Thủ tướng Najib Razak cho biết, ngân sách năm 2010 là 191,5 tỷ Ringgit (56 tỷ USD), thấp hơn 11% so với năm 2009. Con số này chưa cho thấy toàn cảnh bức tranh ngân sách của Malaysia, do nó không thể hiện các khoản chi ngoài ngân sách. Tuy nhiên, đa số những cắt giảm này sẽ được thực hiện đối với chi tiêu cho hoạt động, dự kiến sẽ giảm từ 160,2 tỷ Ringgit trong năm 2009 xuống 138,3 tỷ trong năm 2010. Chính phủ cũng hy vọng sẽ tiết kiệm được khoảng 4 tỷ Ringgit tiền hỗ trợ hàng năm và các khoản cắt giảm chi tiêu khác khoảng 18 tỷ.
Chính phủ Malaysia dự báo tăng trưởng GDP sẽ trong khoảng 2-3% trong năm 2010. Nhưng mức tăng trưởng có thể yếu hơn nếu tác dụng của các biện pháp kích thích tài chính trong năm nay kết thúc nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên, Thủ tướng Najib Razak có những lý do để hạn chế chi tiêu tài chính. Tình hình tài chính của Malaysia đã xấu đi rất nhiều trong những năm gần đây. Do chi phí hỗ trợ tăng lên đáng kể, đặc biệt là cho nhiên liệu và lương thực, thâm hụt ngân sách trong năm 2008 đã đứng ở mức 35,6 tỷ Ringgit, tương đương 4,8% GDP, cao hơn 15 tỷ Ringgit so với năm 2007. Theo ước tính của chính phủ thì thâm hụt ngân sách năm 2009 sẽ tăng lên 7,4% GDP. Mặc dù mức thâm hụt này thấp hơn so với của một số nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nhưng đó vẫn là mức cao nhất ở Malaysia kể từ năm 1987. Nếu chính phủ Malaysia tiếp tục tăng chi tiêu thì thâm hụt ngân sách của Malaysia sẽ vượt mức 7% GDP trong các năm 2010 và 2011, ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực ổn định ngân sách của chính phủ. Ngược lại, nhờ những cắt giảm chi tiêu trong năm 2010, dự kiến thâm hụt ngân sách trong năm 2010 sẽ giảm xuống khoảng 5,6% GDP.
Bên cạnh đó, tình hình tài chính của chính phủ xấu đi cũng đe doạ xếp hạng tín dụng của Malaysia xuống thấp. Bằng việc củng cố tình hình tài chính ngay từ bây giờ, Malaysia hy vọng có thể ngăn chặn được việc xếp hạng tín dụng của Malaysia xuống cấp, điều có thể làm cho Malaysia khó thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn. Những khó khăn về kinh tế gần đây cho thấy sự phụ thuộc của Malaysia và các nhân tố từ bên ngoài, nhấn mạnh sự cấp thiết phải thúc đẩy các nguồn tăng trưởng khác như lĩnh vực dịch vụ nội địa.
Thủ tướng Najib Razak dường như cũng quyết tâm thể hiện khác so với người tiền nhiệm khi sẵn sàng thực hiện các biện pháp chính sách táo bạo. Thực vậy, suy thoái kinh tế cùng với kết quả yếu kém của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử tháng 3/2008 đã đưa đến cơ hội lý tưởng cho Thủ tướng Najib Razak đưa ra một cuộc cách mạng mới cho Malaysia, nhằm mục tiêu đưa Malaysia vào vị thế là nước phát triển vào năm 2020.