Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mặn lòng với rối nước

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sân khấu rối nước thu nhỏ nằm sâu trong ngõ chợ Khâm Thiên (quận Đống Đa), du khách phải đi bộ gần 1km, nhưng tuần nào cũng 4 - 5 đoàn khách nước ngoài đến xem rối.

 Rồi sau thời gian thử nghiệm, từ ngày 11/12, cơ sở 2 rối nước thu nhỏ tại Thạch Bàn (quận Long Biên) lại chính thức xếp lịch biểu diễn thường xuyên để đón khách du lịch tuyến Bát Tràng (Hà Nội) – Đồ Sơn (Hải Phòng) – Hạ Long (Quảng Ninh).
Luôn đông khách

17 năm nay, nghệ sĩ Phan Thanh Liêm được biết đến là tác giả của mô hình sân khấu rối nước thu nhỏ. Với tình yêu rối của người con sinh ra, lớn lên ở vùng quê rối nước (Nam Trực, Nam Định), Phan Thanh Liêm đã đưa sân khấu rối nước thu nhỏ rong ruổi khắp nơi. Đặc biệt, hơn 10 năm nay, khác hẳn cảnh náo nhiệt mua – bán ở ngõ chợ Khâm Thiên, trong ngôi nhà 4 tầng của nghệ sĩ này là âm thanh của điệu chèo, điệu ví giặm cùng tiếng khua nước đưa khán giả đến với không gian của rối nước. Nếu như nhiều nhà hát múa rối chật vật lo từng suất diễn, thì trong sân khấu thu nhỏ của mình, mỗi tuần Phan Thanh Liêm đều đặn đón 4 - 5 đoàn khách nước ngoài. Họ đến không chỉ xem rối, tương tác với rối, mà còn được mang những con rối thu nhỏ về làm quà lưu niệm.

Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm trong không gian trưng bày con rối tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Linh Anh

Với thành công ở cơ sở 1, Phan Thanh Liêm tiếp tục mở cơ sở 2 tại số nhà 22 tổ 4 ngõ 145/8 đường Thạch Bàn với thiết kế khoảng 50 chỗ ngồi. Trong đó, theo chủ nhân của mô hình sân khấu thu nhỏ, thì cơ sở mới được mở ra nhằm liên kết các hoạt động du lịch tuyến Bát Tràng (Hà Nội) – Đồ Sơn (Hải Phòng) – Hạ Long (Quảng Ninh). Vị trí mới này sau một thời gian thử nghiệm đã chiếm được cảm tình của người xem, nhất là khách nước ngoài. Ở đó, từ khi bước chân xuống xe, đi vào ngõ tới địa điểm biểu diễn, khán giả sẽ được trải nghiệm trên một con đường hết sức thôn quê. Những giá trị của làng quê Việt pha trộn chút thành thị sẽ biểu thị từ khung cảnh bên ngoài đến khi bước vào không gian rối nước thu nhỏ. Chia sẻ thêm về mô hình sân khấu thu nhỏ, Phan Thanh Liêm cho biết: “Với mô hình này, khoảng cách sân khấu và khán giả cũng xích lại gần hơn. Nghệ sĩ biểu diễn và khán giả có cơ hội giao lưu giới thiệu, tìm hiểu về nghệ thuật múa rối nước truyền thống của Việt Nam”.

Người mang rối xuất ngoại nhiều nhất

Theo đánh giá của GS Hoàng Chương – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, Phan Thanh Liêm là người mang con rối đi nước ngoài nhiều nhất. Anh đã mang sân khấu nhỏ đi khắp châu Âu, rồi lại trở về châu Á. Năm 2017, Phan Thanh Liêm đã lưu diễn 7 tháng tại Trung Quốc, đón nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả. Ấn tượng về rối nước của Phan Thanh Liêm với đạo diễn NSND Đặng Nhật Minh chính là việc anh dùng phù sa sông Hồng pha trộn thành màu nước sân khấu rối. “Không chỉ ở sân khấu tại gia, mà mỗi chuyến đi biểu diễn nước ngoài, Liêm cũng mang theo phù sa sông Hồng để cho vào bể rối. Anh nói với tôi: không thể tìm được màu nào giống như màu đặc trưng của đồng ruộng Việt Nam hơn thế” - NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Phan Thanh Liêm cho biết, thời gian tới, ông sẽ cố gắng tìm tòi, thử nghiệm cho ra đời một số tiết mục, chương trình rối nước đề tài hiện đại, như văn hóa giao thông, bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường sống… “Vì đó là những tiết mục, chương trình mang tính thử nghiệm nên có cái được, cái chưa được. Tôi sẽ đúc rút kinh nghiệm, đứng thật vững trên nền tảng truyền thống tiếp tục tìm tòi, sáng tạo” - nghệ sĩ tâm sự.