Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mảnh đất cho doanh nghiệp thu lợi nhuận lâu dài

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Trong chiến lược mở rộng đầu tư, thương mại của nhiều tập đoàn quốc tế, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng trong chuỗi cung ứng ngành công nghiệp. Để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, DN cần nhiều cải cách, đáp ứng những bộ luật mới liên quan chuỗi cung ứng xanh, bền vững.

Chuỗi cung ứng toàn cầu mảnh đất màu mỡ cho các DN thu lợi nhuận lâu dài. Ảnh: Giang Anh
Chuỗi cung ứng toàn cầu mảnh đất màu mỡ cho các DN thu lợi nhuận lâu dài. Ảnh: Giang Anh

3 cơ hội lớn cho DN Việt

Hiện tại Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt là trong các lĩnh vực dệt may, chíp điện tử và ôtô… Để tận dụng được cơ hội đó, DN Việt phải nhanh chóng thích ứng với yêu cầu của thị trường.

Bộ Công Thương nhận định, hiện có 3 xu thế là cơ hội lớn cho Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thứ nhất, xu thế toàn cầu hóa làm tăng cơ hội tham gia sản phẩm tại Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thứ hai, xu thế chuyển dịch mạnh mẽ chuỗi cung ứng của các nước ra khỏi Trung Quốc.

Thứ ba, xu thế rời chuỗi cung ứng ra khỏi các khu vực có sự bất ổn chính trị do chiến tranh giữa Nga và Ukraina bắt đầu từ năm 2022. Xu thế này tạo cơ hội đáng kể cho Việt Nam trong việc tiếp cận tốt hơn thị trường Tây Âu, cũng như tiếp nhận thêm nguồn FDI có xu hướng di chuyển vào khu vực Đông Nam Á.

Một số hạn chế của DN trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo ông Ngô Khải Hoàn, Phó cục trưởng Cục công nghiệp, Bộ Công Thương, nhận định: Cơ hội với DN Việt Nam trong thị phần cung ứng toàn cầu là khá lớn. DN vừa là người mua, vừa là người bán. Tuy nhiên, hiện nay vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Chúng ta tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng mới chỉ ở khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp, sử dụng phần lớn là lắp ráp, lao động là đáy của đường cong mặt cười trong chuỗi sản xuất...

Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, cho biết: Các DN EU đặt yếu tố hàng đầu trong thu hút đầu tư vào Việt Nam chính là cải cách về thể chế, môi trường và thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, những xu hướng mới trên thế giới hiện nay thay đổi rất nhiều, đặc biệt những xu hướng liên quan tới sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, phát triển bền vững, quyền con người. EU đưa ra bộ luật mới liên quan tới chuỗi cung ứng, điều này ảnh hưởng khá đáng kể đến các DN nằm trong chuỗi cung ứng của các tập đoàn châu Âu, trong đó có các DN xuất khẩu Việt Nam.

DN Việt cần làm gì?

Nền công nghiệp phát triển được khi chúng ta có một ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh. Với những bất cập của ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước hiện nay, ông Hoàn cho biết: Thời gian qua công nghiệp rất được quan tâm nhưng chúng ta chưa có bộ luật để thúc đẩy phát triển công nghiệp trọng điểm trong nước theo đúng nghĩa. Đây sẽ là khung pháp lý cao nhất để tạo nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, luyện kim, công nghệ cao.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ đầu tiên là xây dựng Dự thảo Luật công nghiệp trọng điểm. Trong công tác xây dựng chính sách, một phần rất quan trọng đó là chiến lược phát triển ngành. Hiện Bộ Công Thương đang tập trung xây dựng chiến lược này.

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1643 phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày định hướng đến 2045. Sắp tới tập trung xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, thép… đây là những ngành trọng điểm cho sản xuất công nghiệp trong nước.

Một trong những điều kiện quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ là dung lượng thị trường và đối tác. Nếu dung lượng thị trường không đủ nhưng đầu tư thiết bị, máy móc lớn thì việc thu hồi vốn cũng như khả năng sinh lời rất thấp. Vì thế, cần đẩy mạnh kết nối các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các DN FDI, thậm chí tạo sân chơi để các DN có thể trực tiếp đến tư vấn, kết nối với nhau là rất cần thiết.

Cũng theo ông Hoan trước tiên để DN trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cần hai hướng: Đó là hợp tác chặt chẽ với các đối tác lớn, các DN đầu chuỗi như Samsung, Toyota như đào tạo tư vấn viên, đào tạo kỹ sư khuôn đúc, phát triển nâng cấp các nhà máy các DN hỗ trợ của Việt Nam lên thành các nhà máy thông minh ngang với trình độ của các DN nhỏ và vừa Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, tiếp tục mô hình cải tiến các DN với đội ngũ tư vấn viên đã được đào tạo sẵn có thông qua các chương trình hợp tác với nước ngoài đồng thời cải tiến trực tiếp cho DN trong nước.

Để tham gia hiệu quả và kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế, DN Việt Nam chủ động chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng xanh hóa, bền vững, tuần hoàn. Điều này không những giúp DN gia tăng xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế trong bối cảnh nền sản xuất đang chuyển đổi nhanh chưa từng có như hiện nay.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết: Việt Nam có rất nhiều việc cần cải cách. Cụ thể, đó là vấn đề về năng lượng, không chỉ đơn thuần là nhà đầu tư tham gia vào dự án năng lượng, mà Việt Nam có cam kết rất mạnh mẽ ở COP 26 đi kèm với đó là chiến lược tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã xây dựng, ban hành khá hoàn thiện.

Năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược, đặc biệt với DN EU thì đây là điều kiện không thể thiếu. EU cũng mới đề xuất Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ đặt giá carbon với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo rằng việc giảm phát thải của châu Âu góp phần giảm phát thải trên toàn cầu. Với chiến lược về dệt may, EU yêu cầu ngay từ khâu thiết kế phải đảm bảo là thiết kế sinh thái và quá trình sản xuất cũng như tiêu dùng phải đảm bảo bền vững.

Một yếu tố cơ bản khác trong việc xây dựng chuỗi cung ứng vững chắc trong tương lai là số hóa mối quan hệ giữa người mua và nhà cung cấp. Bằng cách vận dụng hiệu quả công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và loT (internet vạn vật), chuỗi cung ứng có thể nhanh chóng xoay trục qua các nhà cung cấp thay thế khi xảy ra gián đoạn. Xây dựng chuỗi cung ứng thông minh và tiết kiệm thời gian là chìa khóa quan trọng giúp thương mại toàn cầu vượt qua những “sóng gió” trong tương lai.

 

Thực tế hiện nay, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất của Mỹ cũng ngày càng quan trọng hơn. Bằng chứng là rất nhiều công ty nổi tiếng của Mỹ đã và đang tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như Apple, Intel, Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G…