Năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, các ngân hàng vẫn giữ phong độ top đầu trong phát hành và đầu tư TPDN. Cụ thể, theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) dựa trên công bố từ trang thông tin của SSC và HNX đến hết ngày 29/4/2022, có 23 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với giá trị 16.472 tỷ đồng trong tháng 4/2022.
Phần lớn doanh nghiệp phát hành trong tháng 4 đến từ ngân hàng thương mại với 14.940 tỷ đồng, chiếm 90,7% tổng giá trị phát hành. Trong nhóm này, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) phát hành nhiều nhất với 4.600 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đứng sau ở mức 2.500 tỷ đồng, trái phiếu cũng đều có kỳ hạn 3 năm.
Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 8857 CĐ-VPCP, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đã thanh tra đột xuất hoạt động đầu tư TPDN của các tổ chức tín dụng tại 8 ngân hàng thương mại cổ phần.
Ngoài các ngân hàng trên, Cơ quan TTGSNH còn tiến hành thanh tra hoạt động đầu tư TPDN tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) và Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank)...
Đến thời điểm tháng 4/2022, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra tại 7 ngân hàng. Riêng Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) không thực hiện thanh tra với lý do Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra với ngân hàng này.
Đoàn thanh tra đã báo cáo người ra quyết định thanh tra và trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước báo cáo kết quả thanh tra, bổ sung nội dung thanh tra hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đến đầu tư TPDN của tổ chức tín dụng. Gửi văn bản tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về xử lý những sai phạm liên quan đến sử dụng vốn huy động qua phát hành trái phiếu của các tổ chức phát hành. Thanh tra chuyên ngành nhằm mục đích phát hiện, xử lý kịp thời các rủi ro.
Trước đó, năm 2020, theo đề xuất của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, Cơ quan TTGSNH đã tiến hành thanh tra đột xuất đối với Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực về tình hình cấp tín dụng, và việc xử lý đối với khoản vay của Công ty TNHH MTV Tháp UBI. Qua thanh tra đã đưa ra kết luận các nội dung theo kiến nghị của Cơ quan An ninh điều tra.
Về hoạt động đầu tư TPDN, báo cáo tài chính quý I/2022 của các ngân hàng cho thấy, số lượng nắm giữ trái phiếu tiếp tục tăng mạnh. Techcombank, VPBank và MB vẫn là 3 ngân hàng nắm giữ TPDN lớn nhất.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý I/2022, Techcombank đang nắm giữ 76.582 tỷ đồng TPDN, tăng 22,3% so với cuối năm 2021. Cùng thời điểm, con số này tại VPBank là 41.593 tỷ đồng, tăng 50% và tại MB là 46.319 tỷ đồng, tăng 26% so với cuối năm.
Hiện, một tỷ lệ lớn TPDN nắm giữ tập trung ở các ngân hàng lớn gồm: Techcombank, MB, VPBank, TPBank, BIDV, Vietcombank, VietinBank, ABBank... Tại một số ngân hàng, tỷ lệ TPDN nắm giữ đã vượt 10% tổng tài sản.
Câu chuyện an toàn khi phát hành và nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng đã được cổ đông ABBank, Techcombank, SHB… chất vấn HĐQT tại mùa Đại hội cổ đông năm 2022.
Trả lời vấn đề này, ông Jens Lottner - CEO Techcombank cho biết, ngân hàng này đánh giá cao các động thái nhằm minh bạch thị trường tài chính, thị trường bất động sản, trong đó có TPDN của Chính phủ và các cơ quan chức năng thời gian qua.
“Việc này là cần thiết để thanh lọc thị trường, đề cao các DN làm ăn tốt. Tuy nhiên, không phải vì thế mà thị trường bất động sản hay TPDN, tín dụng bất động sản giảm bớt sự hấp dẫn. Cách chúng tôi quản trị rủi ro với TPDN, với tín dụng bất động sản là rất đáng tin cậy” - đại diện HĐQT Techcombank cho biết.