Nhiều thủ đoạn tinh vi, phù phép cho hàng hóa vi phạm
Thông tin từ Sở KH&CN Hà Nội, trong tháng 9/2024, đơn vị này đã tiến hành kiểm tra 21 đơn vị sản xuất và kinh doanh trên địa bàn TP. Kết quả, 2 đơn vị đã bị phát hiện vi phạm các quy định của pháp luật, bao gồm các hành vi như đóng gói hàng hóa không đủ định lượng và ghi nhãn sai quy định. Với hành vi vi phạm về nhãn hiệu trên, cả hai đơn vị này đã bị xử phạt với tổng số tiền là 32 triệu đồng. Đây là biện pháp răn đe nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh.
Không chỉ trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều vụ việc về sở hữu trí tuệ được phát hiện gần đây trên cả nước. Đơn cử, ngày 11/10, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị) chủ trì, phối hợp với Đội kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan tỉnh Quảng Trị) đã phát hiện vụ vận chuyển gần 300 sản phẩm gồm giày, dép các loại giả mạo nhãn hiệu GUCCI, LOUIS VUITTON, DIOR, BURBERRY) có trị giá trên 20 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe đồng thời là chủ hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa, Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên để xử lý theo quy định pháp luật.
Đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam chia sẻ, các dòng xe Cub, Wave, Vespa bị làm nhái, vi phạm kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu một cách trắng trợn. Sản phẩm phụ tùng giả các thương hiệu Honda, Yamaha, Piaggio, Suzuki, SYM tại Việt Nam được đăng bán tràn lan trên thương mại điện tử, với đủ loại mức giá và không xác minh được nguồn gốc. Chỉ tính riêng trong năm 2023, Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chức năng, sàn thương mại điện tử gỡ bỏ gần 400 gian hàng vi phạm.
Thông tin từ Bộ Công Thương, 9 tháng năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 54.667 vụ, phát hiện, xử lý 38.102 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý là 712 tỷ đồng. Đáng chú ý, các vụ việc vi phạm chủ yếu liên quan hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được đối tượng tập kết tại khu vực biên giới hoặc các kho hàng trung chuyển trên tuyến lưu thông để thẩm lậu vào tiêu thụ nội địa. Vi phạm chủ yếu phát hiện đối với nhóm hàng có nhu cầu cao như: thời trang, mỹ phẩm, thiết bị điện, thực phẩm.
Tăng mức xử phạt, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp
Để đấu tranh hiệu quả với các hành vi cố tình xâm phạm sở hữu trí tuệ để trục lợi, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả hơn giữa các cơ quan chức năng bao gồm: Hải quan, QLTT, Công an và cả doanh nghiệp là chủ thể sở hữu các nhãn hiệu chính hãng. Về phần giám định hàng hóa hoặc giám định nhãn hàng vi phạm, cần có sự đồng bộ hơn giữa Bộ KH&CN, cơ quan giám định quyền SHTT và cơ quan đăng kí bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, cần có quy định xử phạt nghiêm minh hơn nữa đối với hành vi buôn bán hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: tăng hình thức xử phạt bằng tiền cho mỗi lần vi phạm, rút giấy phép kinh doanh sản phẩm cùng chủng loại nếu tiếp tục vi phạm lần 2.
Những hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về mặt tài chính cho doanh nghiệp bị xâm phạm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh và thương hiệu của họ trong mắt người tiêu dùng. Chính vì vậy, các biện pháp kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ ngày càng được thắt chặt và ưu tiên thực hiện.
Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, bên cạnh việc giám sát tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm. Sở liên tục đẩy mạnh các hoạt động phòng ngừa và xử lý các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, và tên thương mại. Đây là các yếu tố quan trọng giúp bảo vệ doanh nghiệp và uy tín của họ trên thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
“Công tác tuyên truyền cũng hướng tới làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chính mình; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm và dịch vụ. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp bảo vệ trước các hành vi xâm phạm mà còn góp phần vào việc phát triển một thị trường lành mạnh, công bằng, bền vững.
Tổng cục QLTT đã chỉ đạo Cục QLTT các địa phương phối hợp với các cơ quan liên ngành như công an, thuế, Sở KH&CN các tỉnh, TP phối hợp trong việc triển khai thanh tra, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Việc xử lý các hành vi vi phạm không chỉ giới hạn trong phạm vi hành chính mà còn có thể mở rộng sang các biện pháp xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.