Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mạnh tay xử lý vi phạm

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã được cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết, triển khai nhiều giải pháp nhằm đôn đốc thu, giảm tối đa số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế song tình trạng chậm đóng vẫn chưa được khắc phục.

Theo danh sách chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vừa công bố, trên địa bàn Hà Nội còn nhiều đơn vị chậm đóng tiền từ 20 tháng trở lên.

Tính đến ngày 24/1, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) là 4.260 tỷ đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng phải tính lãi trên 1.537 tỷ đồng. Việc các đơn vị, DN chậm đóng BHXH, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động; tiềm ẩn bất ổn về an sinh xã hội, cần được cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ để giải quyết.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, BHXH Hà Nội đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để khắc phục tình trạng chậm đóng. Với các đơn vị có hành vi vi phạm nghiêm trọng, BHXH TP đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý hình sự.

Thế nhưng chưa có DN nào bị xử lý do vướng nhiều yếu tố. Ngoài ra, các cơ quan chức năng TP Hà Nội tiến hành hàng nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành đối với các đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài… Tuy nhiên, các giải pháp đã, đang thực thi chưa khắc phục được tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, nhất là đối với các đơn vị, DN không còn hoạt động.

Nhiều DN chây ì, cố tình vi phạm, trong khi đó, các chế tài xử lý hành vi trốn, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã được quy định nhiều trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng thực tiễn áp dụng còn nhiều bất cập, khó thực thi dẫn đến chưa thể hiện triệt để tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi này.

Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN một cách hiệu quả, cần xác định đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH mà cần có sự hỗ trợ tích cực của cả hệ thống chính trị, các DN và người dân. Đặc biệt là hệ thống pháp luật trong việc xử lý những chủ sử dụng lao động, DN cố tình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung các văn bản hướng dẫn kịp thời những nội dung về BHXH phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách BHXH.

Chính phủ sớm có nghị định về xử lý các đơn vị sử dụng lao động giải thể, phá sản, ngừng, dừng giao dịch, người sử dụng lao động bỏ trốn, không có khả năng thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT. Mặt khác, Chính phủ chỉ đạo cơ quan chức năng có hướng dẫn cụ thể về xử lý hình sự đối với các đơn vị trốn đóng theo Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Với những DN cố tình không thực hiện kết luận thanh tra đóng BHXH, BHYT, BHTN cần có chế tài cưỡng chế thi hành kết luận thanh tra, thu hồi giấy phép kinh doanh; không cấp giấy phép hoạt động cho các DN trước đây đã hoạt động mà trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH, BHYT.

Việc phòng ngừa, truy cứu trách nhiệm và xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc là cấp thiết hiện nay. Cơ quan Nhà nước cần có quy định đồng bộ, khả thi, nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra hiện nay trong việc khởi kiện dân sự và khởi tố hình sự đối với người sử dụng lao động có hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH.