Mát thì mát thật...

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tỉnh miền Bắc, miền Trung đang trải qua đợt nắng nóng có thể được coi là kéo dài nhất từ đầu mùa Hè đến nay.

Nhiệt độ trong những ngày nửa đầu tháng 7 vừa qua ở miền Bắc và Hà Nội phổ biến ở mức 36 - 38oC, có thời điểm lên tới 39oC. Đó là chưa kể, tại các TP lớn như Hà Nội, nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể cao hơn nhiệt độ dự báo do tác động của hiện tượng đảo nhiệt đô thị.

Một hình ảnh khá ấn tượng được VTV đưa lên sóng là việc một phóng viên tráng chín quả trứng với chiếc chảo nhôm sau 10 phút phơi dưới ánh nắng mặt trời ngày cuối tuần trước.

Trong những ngày Hè nóng nực, như một nhu cầu tất yếu, người dân phải tìm cách giải nhiệt. Và một trong những cách được ưa thích là hòa mình trong làn nước mát. Không có điều kiện tới các bãi biển, người dân TP tìm đến các bể bơi, khu vui chơi dưới nước.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có khoảng 130 bể bơi lớn, nhỏ. Dễ thấy là với thành phố gần 8,5 triệu dân, chưa kể khách vãng lai, số bể bơi này không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân mùa nắng nóng.

Vào các giờ cao điểm từ 16h - 18h, các bể bơi thường xuyên trong tình trạng quá tải. Thêm nữa, không phải bể bơi nào cũng bảo đảm vệ sinh, an toàn. Dù được khử trùng bằng hóa chất chlorine nhưng nhiều bể bơi công cộng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan một số bệnh truyền nhiễm.

Mặt khác, với giá vé dao động trung bình từ 50.000 - 90.000 đồng/vé người lớn, 30.000 - 70.000 đồng/vé trẻ em, thậm chí lên tới hàng trăm nghìn đồng/người không phải ai cũng có điều kiện thường xuyên lui tới các bể bơi.

Vì những lý do nêu trên, như một lẽ tự nhiên, để giải quyết nhu cầu tắm mát ngày Hè nóng nực nhiều người dân tìm đến các bãi tắm tự phát.
Nhiều khu vực của Hà Nội đã hình thành những bãi tắm tự phát như vậy, nhất là trong những ngày Hè nóng nực.

Điển hình có thể kể đến bãi tắm ở ven sông Hồng thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ. Đây là một bãi đất nằm giữa chân cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân.

Từ lâu nay, bãi tắm tự phát này đã trở thành điểm đến của nhiều người Hà Nội mỗi đợt nắng nóng kéo dài. Bất chấp dòng nước sông chảy xiết, biển cảnh báo nguy hiểm cấm tắm, hàng trăm người đủ lứa tuổi vẫn tập trung bơi và nghịch nước mỗi buổi chiều.

Cũng vào tầm chiều tại khu vực ven Hồ Tây đoạn trên phố Quảng Bá (phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội), rất đông người dân đến bơi lội. Hồ Tây rộng và có bề mặt đáy phức tạp, không có nhân viên cứu hộ nên tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. UBND phường Quảng An cũng đặt biển cảnh báo và cấm bơi tại khu vực này.

Nhìn cảnh hàng trăm người, đủ mọi lứa tuổi hồn nhiên bơi lội, tắm mát ở những khu vực đã có biển báo nguy hiểm, không thể không thốt lên: mát thì mát thật…

Rất may là cho đến giờ, chưa có tai nạn đuối nước nào xảy ra ở những bãi tắm nêu trên. Tuy nhiên, không thể nói trước được điều gì với tình trạng các bãi tắm hình thành một cách tự phát, thiếu sự quản lý như vậy. Chỉ cách đây mấy hôm, ngày 8/7, ở một bãi tắm tự phát trên sông Đà, thuộc phường Thịnh Lang, TP Hòa Bình vừa xảy ra vụ đuối nước khiến 1 nam học sinh lớp 11 tử vong.

Câu chuyện đau lòng ấy cũng là lời cảnh báo với việc cần thiết phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ khi bơi lội cũng như trong hoạt động vui chơi ngày Hè nói chung.

Bơi lội, tắm mát là sở thích, nhu cầu của nhiều người những ngày Hè nắng nóng, nhưng cần đặt sự an toàn lên trên hết. Và quan trọng nhất phòng tránh những tai nạn đáng tiếc về lâu, về dài, với một TP văn minh, an toàn, không thể để những bãi tắm tự phát tồn tại.

Để đạt được điều đó, cần một chương trình mang tính lâu dài, làm sao để mỗi khu vực trong TP đều có bể bơi bảo đảm vệ sinh, an toàn, đáp ứng nhu cầu của dân cư. Đó là trách nhiệm của những người làm công tác quy hoạch, quản lý đô thị.