Đề xuất này chẳng khác nào phương án “chữa cháy” khi sự việc đang đi quá tầm kiểm soát, không quản lý nổi đành đề xuất xóa bỏ!
Đề xuất này đã có không ít ý kiến đồng thuận vì cho rằng người dân sẽ không bị mất oan số tiền đó vào túi của chủ đầu tư. Nhưng vấn đề đặt ra là, nếu hủy bỏ lúc này thì số tiền đã thu trong thời gian qua lên tới vài chục, thậm chí vài trăm tỷ đồng sẽ được xử lý như thế nào?
Ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu bỏ thu phí bảo trì, chủ đầu tư lại “lái” theo hướng khác, đó là tăng giá bán nhà, hết thời hạn bảo hành thì người dân vẫn phải bỏ tiền túi của mình ra để bảo trì cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt tại căn hộ chung cư đó... Tựu chung lại, theo phương án nào đi chăng nữa, người dân khi đã mua loại hàng hóa đặc biệt này vẫn phải rút “hầu bao” của mình để chi trả cho những dịch vụ đi kèm.
Việc các chủ đầu tư thu phí bảo trì của cư dân khi dự án vẫn còn thời hạn bảo hành được xem như hình thức “lách luật” để chiếm dụng vốn. Đây rõ ràng là kẽ hở trong luật cần được sớm nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung thêm những nội dung bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người dân. Nhưng trước khi xây dựng một bộ luật có tính dăn đe hiệu quả, người dân cũng cần phải tỉnh táo để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Hiện nay, các hoạt động giao dịch bất động sản diễn ra sôi động trên thị trường; các chủ đầu tư không phải là người trực tiếp bán hàng, mà sản phẩm của họ được chuyển ra các sàn giao dịch. Khi người dân mua hàng qua các sàn giao dịch, được xem những thiết kế 3D hoành tráng về căn hộ dự án, nhanh chóng quyết định đặt tiền giữ chỗ, đến khi dự án hoàn thành thì thực tế không như tranh vẽ, rơi vào thế tiền lỡ đặt rồi không thể lấy lại, nên đành phải theo.
Thực tế, việc thu phí bảo trì nhà chung cư được rất nhiều nước trên thế giới thực hiện. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm từ Singapore - nước cùng khu vực Đông Nam Á với Việt Nam, phí bảo trì chung cư do một cơ quan của Nhà nước quản lý. Cơ quan này chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, GPMB, giám sát chất lượng xây dựng, vận hành, quản lý kinh phí bảo trì. Còn lại các hoạt động đầu tư xây dựng do thành phần kinh tế tư nhân làm, mà không xảy ra bất cứ tranh chấp, khiếu kiện nào. Nên không nhất thiết phải hủy bỏ quy định thu phí bảo trì.
Nhà ở nói chung và nhà chung cư nói riêng cũng là một sản phẩm dịch vụ, việc xây dựng vận hành phải xoay quanh trục trung tâm là người dân, để người dân thỏa mãn được với nhu cầu mà phù hợp với luật pháp, việc này không xử lý tốt sẽ tạo ra hiệu ứng xấu cho xã hội. Vậy nên tạm gác lại câu chuyện thu hay bỏ thu 2% phí bảo trì nhà chung cư, mà cần tập trung vào việc công khai, minh bạch sử dụng nguồn kinh phí này. Cần quy định rõ để có sự kiểm soát, từ ban quản trị chung cư tới DN dịch vụ.