Mẫu thuẫn giữa thành tích và khoản đầu tư tiền tỉ của CLB Hải Phòng

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Mỗi năm bóng đá Hải Phòng được tỉnh này trích từ ngân sách hàng chục tỉ đồng. Đây là con số đầu tư lớn nhất trong 14 đội bóng tham dự V-League nhưng bóng đá Hải Phòng vẫn chưa để lại thành tích nổi bật trên bản đồ bóng đá Việt Nam.

Phong độ “phập phồng” của CLB Hải Phòng

Nói đến bóng đá Hải Phòng, người hâm mộ trên cả nước sẽ phải ghen tị với không khí từng được thổi lên tại “chảo lửa” Lạch Tray. Bóng đá Hải Phòng từng có bảng thành tích thứ 2 trong lịch sử bóng đá Việt Nam (sau Thể Công) khi trước năm 1975 đội có 10 lần Vô địch Quốc gia.

Tuy nhiên, đến mùa giải 2001/2002 bóng đá Hải Phòng đã phải xuống chơi ở giải hạng Nhất (thời điểm này vẫn thuộc ngành Công an Hải Phòng) và buộc phải chuyên giao về Sở TDTT Hải Phòng. Dù có sự đầu tư nhưng đội bóng này vẫn phải ngược xuôi giữa giải chuyên nghiệp và giải hạng Nhất. Đến năm 2008, Hải Phòng mới có thể trở lại sân chơi V-League dưới thời HLV Vương Tiến Dũng, và trước đó 1 năm đã đổi tên thành Xi măng Hải Phòng.
CLB Hải Phòng thi đấu với phong độ thậm tệ ở những mùa giải gần đây. Ảnh: Ngọc Tú.

Đến mùa giải 2011, Xi măng Hải Phòng được đổi thành Vicem Hải Phòng và từ đó với phong độ đi xuống, đội bóng ngày càng thể hiện sự kém cỏi. Mùa giải 2012, đội bóng TP Cảng đã phải xuống hạng nhưng mua lại suất chơi của CLB Khatoco Khánh Hoà ở V-League nên vẫn được tiếp tục thi đấu ở V-League 2013. Nhưng cũng chỉ sau 1 mùa giải, đơn vị chủ quản Vicem trả đội bóng về cho TP và đổi tên thành CLB bóng đá Hải Phòng. Kể từ đó đến nay, CLB Hải Phòng có lúc suy lúc thịnh. Có khi có danh hiệu như vô địch cúp quốc gia năm 2014 và cạnh tranh quyết liệt với Hà Nội FC (thời điểm đó là Hà Nội T&T) chức vô địch tại V-League 2016. Nhưng kể từ màu giải 2019, CLB Hải Phòng lại có thành tích bết bát, cán đích ở vị trí thứ 12 ở V-League 2019. Còn tại mùa giải 2020, hình ảnh của đội bóng Hải Phòng trong mắt người hâm mộ đã khác, vì họ phải chật vật để đua trụ hạng.
Thêm nữa, đội bóng này, thời điểm đó do ông Trần Mạnh Hùng nắm giữ phải nhờ đến sự “trợ giúp” từ Than Quảng Ninh với 3 cầu thủ tốt nhất là Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú và Fagan để đua trụ hạng. Ở mùa giải 2021, CLB Hải Phòng đã có sự khởi đầu như mơ với các chiến thắng trước nhà ĐKVĐ Viettel, Nam Định, Hà Nội FC, B.Bình Dương. Nhưng sau 3 chiến thắng liên tiếp, CLB Hải Phòng đã “tụt dốc không phanh”, chỉ có 1 chiến thắng trong 8 trận để từ vị trí nhất bảng rơi xuống phía cuối bảng xếp hạng. Chính việc sa sút ở V-League 2021 khiến ông Trần Mạnh Hùng trả đội bóng về cho TP Hải Phòng, rồi chuyển giao cho công ty của ông Văn Trần Hoàn – một doanh nhân, đồng thời cũng là CĐV nổi tiếng với biệt danh Hoàn “pháo”.

Thành tích “mâu thuẫn” với số tiền bỏ ra

Tháng 4/2021, TP Hải Phòng chính thức chuyển giao đội bóng đá Hải Phòng từ Công ty CP thể thao Hải Phòng cho công ty Sông Hồng của ông Văn Trần Hoàn. Dưới thời cựu Chủ tịch Trần Mạnh Hùng, CLB Hải Phòng xảy ra nhiều vấn đề về quản lý như: Hệ thống đào tạo trẻ không đạt tiêu chuẩn, kiện cáo về chuyển nhượng, thành tích không tốt… dù thời điểm đó CLB Hải Phòng vẫn nhận được số tiền lớn từ ngân sách TP Hải Phòng là 40 tỉ đồng. Niềm hy vọng của bóng đá Hải Phòng được đặt lên ông Văn Trần Hoàn, ngay tại lễ chuyển giao, con số 40 tỉ trước đó đã được TP Hải Phòng nâng lên 50 tỉ đồng.
Chủ tịch Văn Trần Hoàn của CLB Hải Phòng trong một trận đấu ngồi trên khán đài của đội nhà. Ảnh: Sprot5.
Cụ thể, trong cuộc họp chuyển giao, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam đã nhấn mạnh và yêu cầu 3 nhiệm vụ trọng tâm đối với CLB Hải Phòng dưới thời ông Văn Trần Hoàn. Một là phải tập trung cho đào tạo trẻ, vì đây là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Thứ 2 là đội bóng phải trụ hạng với tinh thần chiến thắng, khi thời điểm giao nhiệm vụ, CLB Hải Phòng đá 10 trận, thua 5, thắng 3 và hoà 2, đứng thứ 14). Và thứ 3 là trong thời gian ngắn nhất ông Văn Trần Hoàn phải lập Hội CĐV. Cùng với việc chuyển giao đội bóng, TP Hải Phòng cũng thông qua dự án sửa chữa, nâng cấp sân Lạch Tray. Con số ban đầu được thông báo là 30 tỷ đồng nhưng sau đó nâng lên 65 tỷ đồng. Số tiền này lớn hơn cả chi phía sửa chữa lớn sân vận động quốc gia Mỹ Đình (khoảng 40 tỷ đồng).

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đến nay V-League 2021 chính thức bị hủy, để tránh ảnh hưởng đến nhiều yếu tố trong đó công tác an toàn trong phòng chống dịch Covid-19. Trước khi VPF có quyết định huỷ V-League 2021, chính Chủ tịch Văn Trần Hoàn là người đã kêu gọi dừng V-League. Ngoài ta, cầu thủ Hải Phòng cho biết bị cắt giảm 70%, áp dụng từ tháng 8/2021. Không chỉ CLB Hải Phòng, nhiều đội bóng khác cũng thực hiện cắt giảm lương, chế độ cầu thủ.

Có thể thấy, số tiền TP Hải Phòng chi cho đội bóng khẳng định tham vọng về sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung và Hải Phòng nói riêng; nhưng trong nhiều năm qua, thành tích đó lại không đúng với số tiền bỏ ra. Hiện tại, Hải Phòng đóng góp 1 gương mặt trẻ duy nhất cho ĐTQG là thủ môn trẻ Văn Toản. Hơn thế, hệ thống đào tạo trẻ nhiều năm nay chưa đạt chuẩn, thậm chí Trung tâm đào tạo trẻ đã giải tán. Với việc mùa giải 2021 đã phải huỷ, CLB Hải Phòng loại bỏ nguy cơ xuống hạng và mục tiêu vào top 5 của CLB Hải Phòng không còn ý nghĩa nhưng với vị trí thứ 12 sau 12 vòng đấu đã thể hiện rõ tình cảnh của bóng đá Hải Phòng.

"Trụ hạng nhưng phải trên tinh thần chiến thắng, ngẩng cao đầu, năm sau ở vị trí cao hơn như Chủ tịch Văn Trần Hoàn cam kết là vào top 5. Chứ tránh tình trạng như các năm, 14 đội thì đứng 13. Có trận, chúng ta hơn hẳn 1 người nhưng cả hiệp không đá được vào. Chất lượng kém quá. Phải xem lại công tác huấn luyện, tăng cường lực lượng như thế nào để thi đấu cho tốt. Ngoài ra, từ trước đến nay Hải Phòng chưa có hội CĐV, dẫn tới câu chuyện rất mang tiếng, mỗi lần đi đá, lại đốt pháo sáng, đánh nhau, không được trong sáng và vi phạm pháp luật. Hình ảnh TP hải Phòng đang phát triển như thế này mà đi đâu lại đánh nhau đấy” - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam.