Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miệt mài giữ hồn Trung thu

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, mỗi dịp Trung thu, người dân Thủ đô dễ dàng bắt gặp hình ảnh nghệ nhân cần mẫn hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống cho trẻ em tại các không gian văn hóa. Với các nghệ nhân, đó là phương tiện để truyền tình yêu trò chơi dân gian tới thế hệ trẻ.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền hướng dẫn các em nhỏ làm đèn ông sao truyền thống. Ảnh: Lại Tấn
Theo đuổi nghề truyền thống
Ông Nguyễn Văn Quyền (làng Đan Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) là một trong số những nghệ nhân hiếm hoi còn giữ nghề làm đèn kéo quân tại Hà Nội. Mỗi dịp Trung thu đến, ông lại đi nhiều nơi để giới thiệu và truyền dạy cho các bạn nhỏ làm đồ chơi truyền thống. Vừa tỉ mẫn vót từng nan tre, vừa hướng dẫn cho các cô bé, cậu bé tham gia chương trình “Lung linh trăng Rằm” tại Hoàng thành Thăng Long, ông Quyền vừa chia sẻ: Trước đây, người ta làm đèn kéo quân cho trẻ em ngoài mục đích như một món đồ chơi, còn mang ý nghĩa truyền dạy lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Chính vì thế, những hình dán lên các thân mặt đèn kéo quân thường nói về việc lễ, hiếu, trung, nghĩa và đặc biệt là hình ảnh các đoàn quân lính, ngựa xe, hành quân, xung trận. Vì thế nên mới được gọi là đèn kéo quân. Sau này, các hình vẽ được dán lên đèn phong phú hơn, như hình các bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, hình chú Tễu, chú Cuội, chị Hằng Nga.

Với những nghệ nhân theo đuổi nghề làm đồ chơi truyền thống, việc giữ cái nghề kiếm chẳng đủ ăn nhiều khi như một thú vui để những món đồ chơi ấy không lùi vào dĩ vãng. Nhiều khi, người dân Thủ đô bắt gặp nghệ nhân tò he Đặng Văn Hậu ngồi ở một góc phố cổ với đôi bàn tay thoăn thoắt vê, nặn, vuốt… cho ra đời những con giống, mâm ngũ quả, chú Cuội, chị Hằng bằng bột nặn vô cùng sinh động, đẹp mắt. Nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho biết, những con giống bột anh phục hồi thời gian qua chủ yếu thuộc ba loại. Loại thứ nhất gồm con giống bột Trung thu Đồng Xuân, thường là những con vật nuôi gần gũi với con người thời xưa như trâu, ngựa, dê, chó, gà, lợn (gọi chung là bộ lục súc) và một số con vật, đồ vật thân quen như cua, cá vàng, đôi hài, mâm ngũ quả. Loại thứ hai là con giống của Phố Khách (các phố của người Tàu quanh khu phố cổ ngày xưa) chủ yếu là các con vật trong thần thoại như nghê hý châu, sư tử hý cầu, cá hóa long. Loại thứ ba là con giống bột của Phú Xuyên, thường được gọi là bánh chim cò, kiểu dáng không bị bó buộc mà thay đổi tuỳ theo bàn tay sáng tạo. Trong ba loại con giống bằng bột đó, hai loại là con giống bột Trung thu Đồng Xuân và con giống Phố Khách gần như đã thất truyền vào đầu năm 90 của thế kỷ trước.

Sức sống mới

Tại Hà Nội hay một góc làng quê Bắc Bộ vẫn còn những người thợ cần mẫn lưu giữ bí quyết làm nên món đồ chơi Trung thu truyền thống. Vì thế hàng năm vào dịp Trung thu, đồ chơi truyền thống không bị lấn át hoàn toàn bởi hàng ngoại nhập. Để lan tỏa hơn nữa giá trị tốt đẹp đó, năm nay, nhiều làng nghề, cơ sở văn hóa đã tổ chức các chương trình trải nghiệm đồ chơi Trung thu truyền thống. Đơn cử, một nhóm các bạn trẻ đã tổ chức sự kiện “Về làng: Rước đèn Trung thu và đón ông tiến sĩ giấy”.

Xuất phát từ Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, nhóm bạn trẻ này đã tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội), người đã giữ nghề làm đèn ông sao, ông tiến sĩ giấy hơn 40 năm nay. Có mặt ở nhà nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, thấy ngổn ngang những nan tre vót dở, các khung tre đã được dựng thành hình hay những tấm giấy màu bắt mắt. Trao đổi với phóng viên, bà Tuyến cho biết: “Việc cần mẫn theo đuổi làm đồ chơi dân gian cũng là thể hiện tấm lòng của mình dành cho con cháu, mong cho chúng ngoan, học giỏi để có kết quả học tập tốt. Năm nay, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Văn Miếu Quốc Tử Giám và các trường học… cũng mời tôi đến hướng dẫn các cháu thiếu nhi làm đồ chơi. Nhiều việc mệt lắm nhưng mà cũng vui”.

Có thể thấy, từ những tâm huyết của các nghệ nhân, phố phường Hà Nội trước kia tràn ngập đồ chơi ngoại nhập đã có nhiều hơn những ô nhỏ bán đồ chơi truyền thống, ngày càng thu hút khách mua hàng. Đây cũng chính là động lực để những người làm nghề tiếp tục công việc lưu giữ giá trị xưa.