Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Miệt mài phục dựng những điệu múa cổ

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của nghệ thuật múa, GS Lê Ngọc Canh đã được Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ và Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020. GS Lê Ngọc Canh 87 tuổi và có tới hơn 70 năm gắn bó với nghệ thuật múa.

Say và yêu múa
Trong ngôi nhà 4 tầng nằm trên ngõ nhỏ ở phố Láng Hạ (quận Đống Đa), GS Lê Ngọc Canh giới thiệu với chúng tôi cuốn sách thứ 21 vừa được xuất bản mang tên “Mỹ học nghệ thuật múa”. “Tôi đã tích lũy kiến thức về nghệ thuật múa nhiều năm để viết cuốn sách này dành cho nghệ sĩ múa và những ai có nhu cầu tìm hiểu” - GS Lê Ngọc Canh phấn khởi nói. Thế rồi, ký ức từ những ngày đầu làm quen với nghệ thuật múa trong người nghệ sĩ già ùa về.
 Múa Trống Bồng trong làng Triều Khúc biểu diễn dịp lễ, Tết. Ảnh: Phạm Hùng
Bắt đầu tham gia cách mạng từ năm 1945, 9 năm ở chiến khu Việt Bắc là thiếu sinh quân đi tuyên truyền vũ trang, cậu bé Lê Ngọc Canh có nhiều lần tiếp xúc với đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng, Dao, Thái... Mỗi lần được xem họ múa, cậu đều rất thích thú. Chính điều này là động lực giúp Lê Ngọc Canh quyết tâm học và đi đến các vùng miền Bắc, Trung, Nam để sưu tầm những điệu múa. Nhưng việc đi sưu tầm những điệu múa không đơn giản vì phải học từng động tác, ghi chép và vẽ hình hoặc ký hiệu vào sổ. Thậm chí, có những khi Lê Ngọc Canh phải đi bộ đường bùn lầy cả nửa ngày, nhịn đói nhưng vì tình yêu với nghề không làm chàng thanh niên nản bước.

Sau 5 năm (1968 - 1973) nghiên cứu sinh nghệ thuật học ở Bungari trở về nước, TS Lê Ngọc Canh tiếp tục gắn bó với nghệ thuật múa. “Tôi đi học tây nhưng về làm ta!” - GS Lê Ngọc Canh nói và giải thích, công việc đi sưu tầm, nghiên cứu, giảng dạy, sáng tác các điệu múa đều theo khuynh hướng được khai thác từ dân gian, dân tộc để hiện đại hóa.

Phục dựng trên 50 điệu múa cổ Hà Nội

Hiện nay, NSND Lê Ngọc Canh đang tham gia công trình Bách khoa thư Việt Nam. Ông còn là Chủ nhiệm công trình nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi múa cổ Thăng Long - Hà Nội. GS Lê Ngọc Canh kể, việc sưu tầm, nghiên cứu các điệu múa cổ rất gian nan, vất vả.
“Đội chúng tôi đã sưu tầm được trên 50 điệu múa cổ Hà Nội đã, đang tồn tại trong Nhân dân. Có điệu múa đã mất đi, chúng tôi động viên các già làng nhớ lại để phục dựng. Đơn cử như múa Rắn lột ở phường Việt Hưng, quận Long Biên; múa Xếp chữ ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm; múa Trống Bồng ở làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì... Chúng tôi rất vui khi những tiết mục múa này được chính người dân nơi đó biểu diễn trong các ngày hội làng. Các dịp Tết Nguyên đán, những điệu múa cổ Thăng Long - Hà Nội lại được mang đi biểu diễn tại Vườn hoa Lý Thái Tổ phục vụ đồng bào Hà Nội, khách thập phương đến xem rất thích thú và khám phá” - GS Lê Ngọc Canh chia sẻ.

Cả cuộc đời GS Lê Ngọc Canh gắn bó với nghệ thuật múa. Sự cống hiến của ông đã được đền đáp bằng nhiều giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Nhà nước (năm 2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2017). Đối với ông, niềm tự hào lớn nhất là tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng những điệu múa của dân tộc, trong đó có Hà Nội.
GS Lê Ngọc Canh tâm sự: "Hà Nội là vùng địa linh nhân kiệt có nhiều điệu múa tồn tại trong Nhân dân, đây là kho tàng của Thủ đô. Vì thế, tôi rất mong lãnh đạo TP, Hội Văn học nghệ thuật có chủ trương lập đề án sưu tầm, phục dựng những điệu múa cổ của Hà Nội mở rộng. Ngày nay, những nghệ nhân già am hiểu về nghệ thuật múa đang khuất bóng dần, nếu không sưu tập được nhanh sẽ có nguy cơ bị thất truyền".