Minh bạch cung ứng dịch vụ công ích

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chất lượng cung ứng dịch vụ công ích (DVCI) của TP đã có nhiều đổi mới rõ nét, giảm kinh phí duy trì, tiết kiệm ngân sách…

Tuy nhiên, đợt khảo sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội mới đây về vấn đề này cho thấy, vẫn còn nhiều bất cập cần tháo gỡ về quy trình, định mức, đơn giá.

Tăng cường cơ giới hóa

Tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội, việc cơ giới hóa trong thu gom, xử lý rác thải đã được đẩy mạnh. Công ty đã tiến hành thay xe gom, trang bị thêm hàng chục xe quét hút. Tại 4 quận nội thành cũ, chất lượng vệ sinh môi trường (VSMT) đã được nâng cao khi đơn vị triển khai cơ giới hóa việc quét đường, quét hè bằng xe quét hút, thu gom, vận chuyển rác bằng xe cơ giới, Nhờ vậy, đến nay, đơn vị đã giảm được 287 điểm cẩu, 261 xe gom, tiết kiệm nhân công và chi phí sản xuất.

Xe quét hút rác hiện đại của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội hoạt động trên phố Đinh Tiên Hoàng.  Ảnh: Phạm Hùng

Qua đợt khảo sát của Ban Đô thị cũng cho thấy, các đơn vị đồng tình cao với chỉ đạo của TP về việc tăng cường cơ giới hóa các dịch vụ, giảm lao động thủ công, nâng cao hiệu suất, giảm chi phí. Tuy vậy, quá trình thực hiện đã bộc lộ một số bất cập. Đáng lưu ý là TP chưa ban hành quy trình, định mức, đơn giá cho các hạng mục bằng cơ giới nên hiện vẫn thanh toán theo đơn giá duy trì thủ công.

Theo Phó Giám đốc Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long Nguyễn Mạnh Tiến, từ 1/3/2017, Công ty thực hiện các gói thầu duy trì VSMT tại các quận, huyện: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín. Công ty đã triển khai cơ giới hóa công tác duy trì VSMT, nhưng do chưa có quy trình, định mức cơ giới, dẫn đến khó khăn, chậm thanh quyết toán. Tương tự, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cũng được giao đảm nhận duy trì VSMT tại 11 quận, huyện và đại lộ Thăng Long, đường Võ Nguyên Giáp hiện vẫn thanh toán theo đơn giá duy trì thủ công như trước đây.

Tạo sự cạnh tranh lành mạnh

Nhằm nâng cao chất lượng cung ứng DVCI, thời gian qua, TP đã áp dụng rộng rãi hình thức đấu thầu thay vì cơ chế đặt hàng các DN như trước kia. Cùng với việc đẩy mạnh cơ giới hóa, cách làm này bước đầu đã giúp tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh của việc cung ứng các sản phẩm DVCI, tiết kiệm chi cho ngân sách. Trên thực tế, để đảm bảo tính đồng bộ, hợp lý với việc tổ chức đấu thầu, đặt hàng, trong năm 2016, Sở Xây dựng đã phối hợp rà soát, xây dựng quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá các lĩnh vực DVCI. Kết quả trong lĩnh vực duy trì VSMT, kinh phí tiết giảm (so với khối lượng thực hiện năm 2015) là 262 tỷ đồng, tương ứng giảm 29,21%. Đối với công tác duy trì công viên, cây xanh, kinh phí tiết giảm 174 tỷ đồng, tương ứng giảm bình quân 40,15%.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Hà Đông Đinh Văn Tiến đánh giá: Việc điều chỉnh hình thức cung ứng, quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá thực hiện DVCI theo chỉ đạo của TP năm 2016 đã tạo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, bình đẳng giữa các DN. Việc điều chỉnh này đã đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, gắn chất lượng với giá trị được thanh toán, từng bước giảm tỷ lệ chi từ ngân sách, mở rộng hoạt động xã hội hóa về cung ứng sản phẩm dịch vụ VSMT.

Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội Nguyễn Hữu Tiến: Việc ban hành đơn giá 6841/QĐ-UBND ngày 13/12/2016 giúp tiết kiệm ngân sách TP trong công tác VSMT, nhưng bên cạnh đó vẫn còn bất cập khi chưa thực hiện khảo sát các hạng mục công việc thực tế tại hiện trường để điều chỉnh và xây dựng các định mức mới cho phù hợp; thiếu một số định mức đơn giá cho các công việc thực tế cần thực hiện như quét hè bằng xe cơ giới, quét ngõ xóm, gây khó khăn cho các đơn vị trong quá trình triển khai.
Trong đợt giám sát, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, năm 2017, Sở tiếp tục rà soát, trình TP các hạng mục đấu thầu có đủ điều kiện theo quy định. Đồng thời, xây dựng tiêu chí kỹ thuật, tiêu chí kiểm tra chất lượng, nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo kết quả thực hiện đảm bảo đúng các yêu cầu chất lượng, khuyến khích các đơn vị cải tiến công nghệ, áp dụng cơ giới vào duy trì. Từ đó, góp phần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia công tác đấu thầu, huy động được các nguồn lực xã hội hóa tham gia cung ứng DVCI.

“Việc TP tập trung tăng cường cơ giới hóa, tổ chức đấu thầu tăng cường tính công khai, minh bạch và khả năng cạnh tranh của các nhà thầu cung ứng dịch vụ duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn, góp phần cải thiện hơn nữa chất lượng sống của người dân. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức cung ứng từ “đặt hàng” sang đấu thầu, hồ sơ mời thầu chưa xây dựng yêu cầu chất lượng, tần suất, khối lượng đặc thù theo từng địa bàn nên dẫn đến thực tế có nhiều việc không có trong thầu, phát sinh trong thực tế không ai làm hoặc làm không thanh toán được đã và đang gây khó khăn cho các DN. Vì vậy, các cơ quan tham mưu cho TP cần khảo sát, kịp thời điều chỉnh bổ sung một số định mức đơn giá cho phù hợp với thực tế…”

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân