Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Minh bạch để kiểm soát

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý tài sản không rõ nguồn gốc hợp pháp của cán bộ là một vấn đề được quan tâm đặc biệt khi Quốc hội thảo luận Dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Mặc dù có những ý kiến trái chiều, nhưng các ĐB đều có chung nhận định, cần có quy định tạo hành lang pháp lý cho việc minh bạch nguồn gốc tài sản. Không thể nói “tôi kê khai rồi” và mặc nhiên cho tồn tại, trong khi quan trọng là nguồn gốc tài sản đó thế nào.
 Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. 
Dư luận bức xúc, Quốc hội cũng băn khoăn khi trong 10 năm thiệt hại do tham nhũng là hơn 59.750 tỷ đồng và 400 ha đất, nhưng số tài sản thu hồi chỉ có 4.676 tỷ đồng và 216 ha đất. Trong khi đó, có trường hợp kê khai không đúng song chỉ áp kỷ luật đối với người kê khai mà không thể đụng được vào khối tài sản không giải trình được nguồn gốc của họ. Còn để tịch thu khối tài sản này bắt buộc phải qua một vụ án hình sự, từ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và có khi không còn tài sản để xử lý. Một lỗ hổng nữa cũng được các ĐB chỉ ra là việc chuyển quyền sở hữu, xác lập quyền sở hữu tài sản ban đầu cho những khối tài sản lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, nhưng không vấp phải bất cứ sự kiểm soát nào từ phía cơ quan Nhà nước khiến việc này thành nơi trú ẩn, cất giấu tài sản do tham nhũng mà có. Đây chính là trở ngại trong công tác phòng chống tham nhũng nhiều năm qua.

Thu hồi tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp dù là vấn đề khó, song đây là sự chờ đợi của người dân khi sửa đổi luật lần này. Vì vậy nhiều ĐB không đồng tình khi Dự Luật sửa đổi lại tiếp tục để ngỏ nội dung này. Bởi lẽ tuy vẫn còn những quan điểm khác nhau về tài sản không rõ nguồn gốc có coi là tài sản tham nhũng không, nhưng các ý kiến đều cho rằng nếu luật không quy định sẽ không thể tạo được bước đột phá. Nói khác đi, nếu không có biện pháp xử lý thì quy định về minh bạch, kiểm soát thu nhập rất khó tạo chuyển biến trong công tác phòng chống tham nhũng và lúng túng trong xử lý vi phạm. Bởi có quy định trong luật mới trao được thẩm quyền cho cơ quan chức năng được quyền truy đến cùng nguồn gốc của các loại tài sản; mới tránh được tình trạng “chuyển dịch quyền sở hữu” không kiểm soát. Cùng với đó là xây dựng cơ chế để xử lý tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc. “Nếu “buôn chổi đót”, lái xe ôm có tiền tỷ thì cũng phải giải trình được một cách rõ ràng, còn không giải trình được thì phải xử lý. Luật phải làm được điều đó. Và các ĐB cũng chỉ ra rằng, minh bạch tài sản là cần thiết cho xã hội hiện đại, nhưng không nên tràn lan, phải làm từng bước, trước hết là tập trung vào những người có quyền lực, sử dụng quyền lực để tư lợi.