Giao lưu hội nhập văn hóa quốc tế đã mở ra cho sáng tạo mỹ thuật những đường biên về nội dung và hình thức, song làm thế nào để không đánh mất bản sắc dân tộc lại là một thử thách. Vì thế mà cuộc hội thảo "Mỹ thuật ứng dụng hôm nay và vấn đề sử dụng biểu tượng trang trí trong quá trình hội nhập ở Việt Nam" (ngày 22/11) lại ngổn ngang những trăn trở và tranh luận của giới chuyên môn.
Nhiều khoảng trống
Phải nói rằng, đến nay, mỹ thuật ứng dụng đã trở thành một lĩnh vực khoa học, nghệ thuật tổng hợp. Ở Việt Nam, mỹ thuật ứng dụng cũng đã tạo được chỗ đứng vững chắc với kho di sản quý từ nghệ thuật điêu khắc đình làng, nghề chạm trổ, kim hoàn, thêu đan, làm nón lá, sơn mài, đúc đồng, gốm sứ, kiến trúc… Thế nhưng, sự phát triển của đời sống xã hội cũng để lại những "khoảng trống" khiến người trong cuộc không khỏi băn khoăn.
Họa sĩ Hồ Nam (ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) xót xa khi đề cập đến sự thiếu vắng những nét đặc trưng văn hóa phương Đông và bản sắc Việt trong hiện trạng trang trí nội ngoại thất Việt Nam. Họa sĩ Lê Huy Văn - nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội thì ngậm ngùi khi nói đến những lỗ hổng về kiến thức và trình độ quản lý mà theo ông không phải từ phía các nhà thiết kế: "Đi đến chợ gốm Bát Tràng, chúng ta thấy tràn ngập mẫu gốm của nước ngoài. Đi đến các đình, đền, chùa từ xa đã thấy 2 con sư tử đá chễm trệ nhe nanh, giơ vuốt như hăm dọa, như giận dữ. Đến thăm phố Hàng Mã, thì ấn tượng đầu tiên là tràn ngập hàng hóa với các màu đỏ rực, vàng chóe từ đèn lồng, các loại đồ nhựa xanh, đỏ lòe loẹt của Trung Quốc…".
Có thể thấy, đời sống của mỹ thuật ứng dụng Việt Nam chưa có nhiều tín hiệu khả quan. Ở khía cạnh mẫu mã và họa sĩ thiết kế, còn rất nhiều thiết kế thể hiện sự cóp nhặt, sao chép, pha tạp về phong cách, sự thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống. Tính dân tộc thể hiện qua nhiều sản phẩm thiết kế gần như "bị xâm thực" hay bị lãng quên và được thay thế bằng tính thương mại. Thể hiện rõ nhất sự mơ hồ bản sắc Việt là câu chuyện đang ồn ào về sự xâm lấn của các hiện vật lạ vào di tích, trước trụ sở cơ quan, nơi công cộng... Nhiều nhà chuyên môn cho rằng, đây chính là một ví dụ điển hình của việc thiếu hụt các sản phẩm, biểu tượng mỹ thuật có tính ứng dụng cao, mang dấu ấn văn hóa truyền thống.
Băn khoăn chuyện lấp đầy
Trăn trở lớn nhất của giới làm nghề chính là nỗi băn khoăn làm sao lấp đầy những khoảng trống trong sáng tạo mỹ thuật hiện tại. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương cho rằng, vẫn có một khoảng cách khá lớn giữa mỹ thuật tạo hình và mỹ thuật ứng dụng. Từ góc nhìn của người làm công tác đào tạo, họa sĩ Lê Thân (ĐH Mỹ thuật công nghiệp) cũng chỉ ra sự không tương đồng giữa quy mô đào tạo với thực tế của cơ sở vật chất và nhu cầu xã hội, sự thiếu thống nhất trong nội dung chương trình đào tạo về các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng, đặc biệt là sự thiếu hụt giảng viên cơ hữu, cơ sở đào tạo về mỹ thuật ứng dụng…
Giới làm nghề ai cũng hiểu, để sáng tạo mỹ thuật đi đúng hướng, hiệu quả, thực sự vì nghệ thuật không phải dễ dàng và một sớm một chiều. Tuy nhiên, họa sĩ Đoàn Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho rằng, vai trò, trách nhiệm của các nhà quản lý, các trường mỹ thuật và các nghệ sĩ, nghệ nhân là không thể thiếu: "Làm thế nào để nghệ sĩ, nghệ nhân không đánh mất mình vì những động cơ, cám dỗ hào nhoáng từ bên ngoài "phi nghệ thuật"; nỗ lực tìm tòi nghiên cứu, sáng tạo góp sức vào sự phát triển của một nền mỹ thuật ứng dụng đương đại mà không mất đi bản sắc thẩm mỹ và đạo đức truyền thống của dân tộc. Đó là trách nhiệm của các nghệ sĩ, nghệ nhân có đủ bản lãnh "hội nhập" với thế giới mà không bị "hòa tan" chính mình và bản sắc dân tộc Việt".
Kinhtedothi - Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng hoàn thiện sản phẩm. Ảnh: Nguyễn Anh |