Ảnh hưởng của nó không chỉ dừng nhóm xe cá nhân mà còn đe dọa cả sự lưu thông của nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023...
Quá tải trầm trọng
Chỉ trong khoảng 3 tháng vừa qua đã có 61 trung tâm đăng kiểm (TTĐK) trên cả nước phải dừng hoạt động, hơn 400 người liên quan bị khởi tố trong cuộc điều tra về các sai phạm trong kiểm định xe cơ giới. Thiếu TTĐK, hàng vạn chủ xe ô tô rơi vào khủng hoảng, loay hoay với nguy cơ bị xử phạt vì không kiểm định xe đúng hạn.
Một số địa phương rơi vào bế tắc hoàn toàn như Hòa Bình, Sơn La…, cả tỉnh chỉ có một TTĐK nhưng phải dừng hoạt động, người dân buộc phải mang xe đi hàng trăm cây số đến địa phương khác đăng kiểm. Nhưng ảnh hưởng nặng nề hơn cả là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đến nay, Hà Nội chỉ còn 7/31 TTĐK hoạt động, năng lực đáp ứng dưới 30%. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong tháng 3, Hà Nội có 75.682 phương tiện đến hạn đăng kiểm, tháng 4 sẽ có 83.728 phương tiện, tháng 5 có 86.044 phương tiện, cao nhất là tháng 6 với 92.098 phương tiện nhưng với số lượng dây chuyền hoạt động hiện nay toàn TP Hà Nội dự kiến kiểm tra được khoảng 16.500 xe/tháng.
Nhiều tháng qua, tình hình đăng kiểm “nóng” lên từng ngày. Người dân phải long đong tìm nơi đăng kiểm, xếp hàng chờ đợi thâu đêm suốt sáng và gặp nhiều tình huống “cười ra nước mắt”.
Ví dụ trường hợp TTĐK 29-03V (quận Đống Đa), hàng trăm người phải xếp hàng từ đêm hôm trước đến ngày hôm sau thì trạm dừng hoạt động phục vụ điều tra.
Anh Nguyễn Hoàng Hiệp (quận Thanh Xuân) ngậm ngùi nói: “Không có thời gian đi xếp hàng, tôi buộc phải cất xe chờ tình hình ổn định lại. Nhưng đáng lo nhất là không biết quá hạn đăng kiểm sẽ bị phạt bao nhiêu.
Không phải mình không tuân thủ mà là tình hình quá khó khăn, liệu lực lượng chức năng có xét đến tình huống bất khả kháng này mà châm chước cho không?”.
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ: “Tình trạng bế tắc trong khâu đăng kiểm đang khiến nhiều xe vận chuyển hàng hóa, hành khách buộc phải dừng hoạt động. DN phải đưa xe đi “ăn nằm” tại các trạm chờ kiểm định, vừa tốn kém, mất thời gian, vừa thiệt hại nặng nề về kinh tế do phải hoãn hủy hợp đồng, chuyến lượt”.
Các TTĐK còn hoạt động rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, cán bộ, nhân viên chịu áp lực tâm lý nặng nề, dù rất nỗ lực nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu đăng kiểm của người dân. Có nơi như TTĐK 29-06V phải sử dụng cả các đăng kiểm viên được tại ngoại chờ khởi tố để phục vụ công tác.
Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện tổng số nhân sự của các TTĐK trên địa bàn TP chỉ còn khoảng 30%, việc bổ nhiệm lại các lãnh đạo trung tâm gặp nhiều khó khăn.
Một số trung tâm bị tạm giữ nhiều thiết bị để điều tra, trong đó có thiết bị kiểm tra khí thải, muốn trang bị lại phải mất từ 2 - 3 tháng đặt hàng.
Thời gian để đào tạo một đăng kiểm viên là từ 1 - 4 năm nhưng môi trường làm việc vất vả, khói bụi, tiếng ồn nhiều, lại phải tăng ca để tăng công suất trong khi thu nhập thấp không đảm bảo cuộc sống dẫn đến tâm lý nhiều đăng kiểm viên không muốn tiếp tục làm việc. Thiếu nhân sự đang là một trong những khó khăn lớn nhất đối với hệ thống kiểm định xe cơ giới.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra như: Điều động nhân lực từ các TTĐK địa phương khác ít áp lực hơn về chi viện cho Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các TP lớn.
Hay Bộ GTVT sớm đưa ra hướng dẫn cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của những DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu xe ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng…
Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, những giải pháp lẽ ra đã phải được áp dụng ngay từ khi bắt đầu chiến dịch của Bộ Công an. Việc gọi lại các nhân sự đăng kiểm đã nghỉ hưu để tạm thời duy trì năng lực kiểm định của các TTĐK cũng là một biện pháp rất hay. Nhưng Bộ GTVT đến giờ vẫn chưa triển khai được.
Mặt khác, ngay cả việc cập nhật thông tin các TTĐK còn hoạt động trên website của Bộ GTVT cũng có lúc còn chậm muộn, đăng ký kiểm định xe qua ứng dụng điện tử chưa được thông suốt. Nếu nỗ lực hơn nữa, Bộ GTVT đã có thể giảm thiểu khó khăn cho người dân.
Thiếu nhân sự, các TTĐK đình trệ hoạt động sẽ khiến không chỉ người dân mà các DN cũng chịu ảnh hưởng, thiệt hại vô cùng lớn. Hơn lúc nào hết Bộ GTVT cần khẩn trương, nỗ lực, cùng các địa phương giải cứu người dân khỏi cuộc khủng hoảng đăng kiểm đang ngày càng trầm trọng.
Sớm đưa hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường
Theo Nghị quyết 31/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tập trung khắc phục nhanh nhất tình trạng ách tắc trong hoạt động đăng kiểm phương tiện giao thông, “phải có giải pháp hiệu quả giải quyết dứt điểm, bảo đảm công tác đăng kiểm trở lại hoạt động bình thường trong tháng 3/2023".
Chiều 8/3, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ Công an để xử lý ngay tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại các trung tâm đăng kiểm.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng nêu rõ, công tác kiểm định phương tiện giao thông là dịch vụ công rất quan trọng, bảo đảm an toàn cho các phương tiện giao thông, tính mạng cho người dân, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật và trình độ và thuộc trách nhiệm của Nhà nước.
Vừa qua việc điều tra, xử lý của Bộ Công an là hết sức cần thiết và kịp thời trong bối cảnh phương tiện giao thông mất an toàn, công tác quản lý về phương tiện giao thông bị buông lỏng ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng của người tham gia giao thông.
Qua việc khởi tố điều tra đã xác định được rõ những sai phạm, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để chấn chỉnh, xử lý, nhằm thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan quản lý nhà nước với người dân.
Trong một thời gian dài, việc xã hội hóa đã huy động được nguồn lực bên ngoài bước đầu đáp ứng được nhu cầu của người dân, DN trong cung cấp dịch vụ công về kiểm định, tuy nhiên việc thực hiện kiểm định, hoán cải phương tiện giao thông vận tải còn diễn ra rất tùy tiện, chưa được quản lý chặt chẽ đảm bảo các quy chuẩn kỹ thuật, quy định pháp luật.
Vì vậy, chuyên án của Bộ Công an góp phần chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực đăng kiểm, nâng cao niềm tin của người dân; đồng thời cho thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước cũng như những bất cập trong mô hình xã hội hóa hoạt động đăng kiểm.
Khẳng định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm cho người dân, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an, Bộ GTVT có phương án, giải pháp xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém, không làm ảnh hưởng đến nhu cầu chính đáng của người dân.
Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT trước mắt cần khẩn trương ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để cho phép các trung tâm bảo trì, bảo dưỡng của các DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu ô tô đủ điều kiện được tham gia thực hiện kiểm định xe; thực hiện miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp và xe cơ giới nhập khẩu chưa qua sử dụng.
Tập trung huy động, điều phối nhân lực đăng kiểm viên, cán bộ nghiệp vụ ở các địa phương khác "chi viện" cho các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, kết hợp tăng ca, kíp để đáp ứng nhu cầu kiểm định của người dân. Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng huy động các đơn vị có chức năng, đủ điều kiện thực hiện hoạt động đăng kiểm của hai Bộ tham gia hỗ trợ.
Bộ Công an trong quá trình xử lý các vi phạm không làm ảnh hưởng đến hoạt động đăng kiểm; tiếp tục phân hóa các nhóm đối tượng vi phạm để có phương thức đấu tranh phù hợp nhất là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Về lâu dài, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Công an để xem xét phương thức tách bạch công tác quản lý và hoạt động của các trung tâm kiểm định; tăng cường công tác đào tạo; quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ đăng kiểm viên… "Sau cuộc họp hôm nay, các đồng chí phải làm ngay, phải thay đổi ngay, không thể để tình trạng như thế này được" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân. Vì vậy, trong khi giải quyết, xử lý những yếu kém của cơ quan quản lý nhà nước, phải tìm giải pháp tốt nhất, không làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà