“Cú hích” tiêu dùng trong nước
Làm nhân viên văn phòng, nên chị Thu Hà ở quận Hà Đông thường tranh thủ cuối tuần được nghỉ mới đi mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu cho gia đình. Chị Hà thường chọn mua sắm ở các siêu thị lớn hoặc trung tâm thương mại. Theo chị giải thích, ở đây ngoài hàng hóa đa dạng, còn hay có các đợt giảm giá hoặc khuyến mại, vì thế sẽ giúp gia đình bớt đi được 1 khoản trong kế hoạch chi tiêu. Chị Hà cũng đặc biệt quan tâm tới chính sách giảm 2% thuế VAT của Chính phủ.
Chị Hà chia sẻ, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng cao, nhưng đồng lương lại bị co hẹp thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Với mỗi hóa đơn khoảng 1 triệu đồng nếu được giảm 2% thuế sẽ tiết kiệm khoảng 20.000 đồng. Dù không nhiều, nhưng trong giai đoạn khó khăn này, các khoản được miễn, giảm đều rất ý nghĩa.
Cũng mong chờ chính sách giảm thuế VAT, chị Nguyễn Thị Phượng – chủ siêu thị Mini Mart Dương Nội, Hà Đông đánh giá sức mua tiêu dùng của người dân vẫn còn rất thấp so với năm ngoái. Một phần vì giá cả hàng hóa tăng, phần vì thu nhập của người dân bị giảm. “Tôi mong khi chính sách giảm thuế có hiệu lực sẽ làm hạ giá thành hàng hóa, từ đó kích thích tiêu dùng hơn rất nhiều, người dân và doanh nghiệp và bản thân nhà bán lẻ như chúng tôi cũng sẽ được hưởng lợi từ chính sách này” – chị Phượng kỳ vọng.
Đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giảm thuế sẽ giúp doanh nghiệp giảm được chi phí nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, từ đó tạo điều kiện giảm giá hàng hóa đầu ra. Đây là cơ sở để người tiêu dùng tích cực, chủ động hơn trong việc mua hàng, từ đó chi tiêu rộng rãi hơn, có tác dụng kích cầu tiêu dùng.
Mặt khác, dưới góc độ kinh tế vĩ mô, việc Chính phủ hỗ trợ giảm thuế VAT sẽ giúp kích thích chi tiêu nền kinh tế, từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP. Hơn nữa, việc giảm giá hàng hóa sẽ giảm sức ép lạm phát, làm cho VNĐ có sức mạnh hơn, từ đó góp phần ổn định giá trị đồng tiền quốc tế, đực biệt là USD. Việc tỷ giá ổn định cũng góp phần thúc đẩy hoạt động thu hút FDI và thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, bảo đảm các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế quốc dân.
Tại dự thảo Nghị quyết, năm 2023, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.
Đánh giá về tác động đến tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.
Người dân là đối tượng sẽ được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này, việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó, góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đánh giá kỹ tác động
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Nguyễn Vân Chi cho biết, Thường trực Ủy ban TCNS tán thành sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết để hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.
Bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế VAT, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43. Chủ tịch Quốc hội làm rõ các nội dung của Nghị quyết 43 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm để kích cầu để tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp khó khăn, người dân khó khăn nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không.
Thường trực Ủy ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật về cơ bản nhất trí bổ sung nội dung này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Đồng thời, để việc giảm thuế VAT có thể kịp thời đi vào thực hiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, Thường trực Ủy ban TCNS và Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành về việc trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban TCNS nhận thấy, thời hạn Chính phủ gửi hồ sơ dự án Nghị quyết và đề nghị bổ sung dự án vào Chương trình ở thời điểm sát kỳ họp Quốc hội, chưa tuân thủ quy định tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội, ảnh hưởng đến chất lượng hồ sơ và gây bị động cho các cơ quan trong quá trình thẩm tra.
Cũng theo bà Chi, so với Nghị quyết số 43, dự thảo của Chính phủ mở rộng phạm vi giảm thuế VAT 2% để áp dụng cả đối với các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và các lĩnh vực khác như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, khai khoáng, viễn thông, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, hồ sơ trình của Chính phủ không giải trình rõ lý do đề xuất mở rộng phạm vi áp dụng đối với một số ngành, lĩnh vực lớn.
Vì vậy, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách không đồng tình với việc mở rộng phạm vi áp dụng và đề nghị chỉ nên tiếp tục giảm thuế VAT với phạm vi như đã thực hiện trong năm 2022 theo Nghị quyết số 43.
Với quan điểm không mở rộng phạm vi áp dụng của Nghị quyết so với năm 2022, Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách đề nghị nội dung giảm thuế VAT của dự thảo Nghị quyết về cơ bản lấy theo Nghị quyết số 43.