Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mở rộng dòng chảy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Lào Thongloun Sisoulith từ 28-29/6 là một sự kiện đối ngoại quan trọng của hai nước Việt Nam và Lào.

Nhằm hướng tới quan hệ hợp tác toàn diện Việt-Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả, thời gian qua, hai bên đã triển khai nhiều hoạt động như phối hợp thúc đẩy trao đổi đoàn, tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức, tiếp tục phát huy những cơ chế hợp tác song phương, nhất là các Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ, không ngừng nâng cao hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư...
Chuyến thăm Việt Nam của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Lào Thongloun Sisoulith từ 28-29/6 là một sự kiện đối ngoại quan trọng của hai nước Việt Nam và Lào.
Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của đồng chí Thongloun Sisoulith trên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần khẳng định mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam- Lào.
Thắt chặt quan hệ
Thời gian qua, mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào không ngừng được tăng cường, phát triển và đạt được nhiều thành tựu trong mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nước.
 Việt Nam-Lào tăng cường hợp tác thương mại, công nghiệp và năng lượng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Đặc biệt, trong lĩnh vực thương mại, quan hệ hợp tác giữa hai nước luôn phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Theo Bộ Công Thương, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại có sự tăng trưởng ổn định, đến nay đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm.
Cùng với đó, cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn.
Năm 2020, do tác động của dịch Covid-19, ảnh hưởng của thiên tai và lũ lụt cũng như các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội khiến hoạt động thương mại giữa hai nước gặp một số trở ngại, khó khăn. Tuy nhiên, thương mại hai nước đã tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong các tháng đầu năm 2021.
Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 5/2021, kim ngạch thương mại Việt Nam-Lào đạt 570,7 triệu USD, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2019 (trước khi có đại dịch Covid-19); trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 280,3 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 290,4 triệu USD, tăng 58,9% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là thành quả từ quyết tâm chính trị của lãnh đạo cấp cao hai nước, sự chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, kịp thời giải quyết và khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hai nước để thích ứng nhanh với bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia thương mại, dự kiến tháng 6 kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào vẫn có thể sẽ tăng nhưng mức tăng không nhiều do dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn cả ở hai nước.
Mới đây, nhằm trao đổi, thống nhất các biện pháp tăng cường hợp tác song phương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Đại sứ Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Đại sứ Lào thống nhất phối hợp theo dõi, trao đổi thông tin và thúc đẩy các cơ quan chức năng hai nước duy trì mô hình thông quan phòng dịch tại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam-Lào, không để lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng hoặc gián đoạn bởi dịch và cảm ơn phía Lào đã ban hành thông báo số 0304 ngày 22/4/2021 hủy bỏ lệnh tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, hai bên thống nhất thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định sửa đổi Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào năm 2015 sớm được khởi động và hoàn tất, phục vụ ký kết trong năm 2021. Đồng thời, thúc đẩy các cơ quan liên quan của cả hai nước thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào.
Cùng với đó, hai bên thống nhất phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các cam kết, ưu đãi thương mại của Việt Nam và Lào trong Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại 3 miền Bắc, Trung và Nam của Việt Nam; phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến các hiệp định trên cho doanh nghiệp Lào thông qua hình thức trực tuyến.
Mặt khác, hai bên đã thảo luận và nhất trí về nhiều nội dung liên quan đến xây dựng khung giá điện nhập khẩu cho năng lượng tái tạo, quy hoạch cơ sở hạ tầng truyền tải điện giữa Việt Nam và Lào, xây dựng quy trình đề xuất, xét duyệt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện.
Ngoài ra, hai bên còn trao đổi về các nội dung khác liên quan đến hỗ trợ cho tăng cường quan hệ thương mại như phối hợp tìm kiếm nguồn tín dụng cho dự án đường cao tốc Hà Nội-Vientiane, xin phép nhập khẩu lợn sống của Lào vào Việt Nam và việc hoàn tất chuyển nhượng cổ phần cho Chính phủ Lào tại công ty cổ phần cảng quốc tế Lào-Việt (vận hành bến số 1, 2 và 3 của Cảng Vũng Áng).
Trong khuôn khổ buổi làm việc, Đại sứ Lào và Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký kết Biên bản làm việc về các biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và năng lượng.
Đây là tiền đề và là cơ sở quan trọng để hai bên tăng cường gắn kết, hợp tác chặt chẽ và hiệu quả cho phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt giữa Việt Nam và Lào trong thời gian tới.
Mở rộng dòng chảy
Ngoài ra, nhằm tận dụng, phát huy được cơ hội phát triển, vượt qua các khó khăn, thách thức, nhất là các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính chủ động để khai thác hết các lợi thế xuất khẩu sang Lào, gia tăng quy mô xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp cần định vị đúng đắn tầm quan trọng của thị trường Lào, xác định những tiềm năng và thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác khi thâm nhập thị trường này để có chiến lược kinh doanh phù hợp.
Trên cơ sở mối quan hệ chính trị-ngoại giao rất tốt đẹp với Việt Nam, Chính phủ Lào rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình đầu tư, kinh doanh tại Lào.
Với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào đều rất nhiều thuận lợi.
Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào.
Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng Lào có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam... Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tận dụng làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu.
Hiện nay, Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ ba tại Lào; Lào là nước nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng, ngân hàng, trồng cây công nghiệp, may mặc...
Hơn nữa, Lào tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển trồng trọt, chăn nuôi để khai thác hết tiềm năng đất đai ở Bắc và Nam Lào.
Với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu các mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc...
Cũng theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Lào là cần thiết, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường Lào.
Do vậy, trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam có thể phối hợp với doanh nghiệp Lào xây dựng, hình thành các chuỗi sản xuất-cung ứng các sản phẩm mà hai nước có lợi thế như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; sản xuất và xuất khẩu mặt hàng cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may... mang thương hiệu hàng Việt Nam.
Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa Việt. Cùng với các địa phương có chung đường biên giới với Lào, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đảm bảo cho hoạt động thương mại và thương mại biên giới giữa hai nước được diễn ra thuận lợi, hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước Việt Nam và Lào./.