Vì ngó bộ dạng anh ngẩn ngẩn ngơ ngơ, hiền lành, lại dễ nhờ vả nên ai ai cũng thương cũng quý. Xóm Đôi nằm lút sâu trong những con mương dài ngoắt ngoéo, mỗi mùa nước lên, nhìn đất trời buồn nao nao, cánh đàn ông con trai lại rủ nhau làm vài trái cóc xanh với chai rượu trắng, kề cà nói chuyện trăng sao.
Anh Tư Kềnh không biết uống rượu, người ta uống vô thì ngọt từ lưỡi xuống lòng xuống dạ, còn anh có hôm bị chèo kéo, không đặng được cố nhấp môi mấy phát, ấy vậy mà, đất trời lảo đảo, đầu óc quay cuồng, thế là lại ngã kềnh ra, đúng lúc đó có mấy cô trong xóm đi ngang qua, chỉ trỏ cười.
Quê độ, anh gườm gườm nhìn họ, đàn bà con gái mà vô duyên, thử rước mấy ông tối ngày rượu chè say xỉn xem, rồi có cười được mãi hay không? Nhưng trong đám đó, có một người ngó qua anh rồi lặng thinh, chẳng nói chẳng rằng, chạy thẳng một mạch. Đó là cô Liên, nhà cách anh mấy cái cầu tre, nhìn từ đầu cổng bên này sang bên kia là nhác thấy bóng nhau. Cô Liên mười tám tuổi, da trắng như trứng gà bóc, tóc dài mượt tận gót chân. Anh Tư có nằm kềnh ở đâu, chứ nhà cô Liên là anh tuyệt đối không dám. Bố mẹ cô xem chừng khó tính nên anh cũng ngại.
Bữa đó anh Tư Kềnh cứ nằm một chỗ, vạ vật một lúc ở gốc cây, mọi người tản đi hết vì nghĩ anh tự ngã tự về như mọi bữa. Cuối cùng má anh cũng kiếm được anh. Anh ngạc nhiên hỏi: "Ủa? Sao má biết con ở đây?"
Má anh vừa xốc nách anh, vừa la: "Con bé Liên nó qua nhà nó mách nên má biết, lần sau đừng có nghe lời người khác chuốc rượu nghe chưa, cha con khi xưa cũng vì rượu mà cảm chết đó con!".
Vậy là anh Tư Kềnh quyết không bao giờ lân la đến con ma men nữa, cũng từ đó đầu óc anh cứ lảng vảng hình bóng của cô Liên, nhưng cô Liên ít ra khỏi nhà, nên thi thoảng anh làm bộ ngang qua, hát mấy câu vu vơ: "Ví dầu cầu ván đóng đinh..." xem có ai ngó ra không, nhưng tịnh chẳng thấy bóng ai.
Mùa nước nổi, má kêu anh đi câu cá lòng tong về kho tiêu, món ấy ăn với cơm cứ gọi là ăn hoài không biết chán. Anh kiếm mồi rồi thả cần ngay gần nhà cô Liên, cũng may chỗ này nước dâng cao, cá lòng tong đớp mồi liên tục, anh câu đến mỏi tay, vừa lúc trưa, bụng réo òng ọc, tính về thì anh thấy cô Liên đi ngang qua, cô đội nón lá, tay cầm bịch rau so đũa, ngẩn người nhìn anh từ lúc nào. Anh Tư Kềnh hơi giật mình nhưng cố lấy bình tĩnh: "Ủa, cô Liên đi chợ hồi nào thế?". Cô Liên cười để lộ hàm răng trắng muốt: "Tôi đi hái bông so đũa nấu canh chua, bữa nay anh Tư câu được nhiều cá không?".
Anh Tư Kềnh trong lòng khấp khởi được bắt chuyện cùng người đẹp nên giơ rổ cá đầy ắp lên, vài con cá đuôi trắng sáng nhẩy loi choi thật vui mắt: "Hôm nay tôi gặp may nên câu hết cá bờ kênh nhà cô Liên rồi…" Cô Liên nheo mắt: "Thế thì anh phải chia cho tôi chứ?". Anh Tư Kềnh cười hềnh hệch: "Xá chi, cô Liên mang hết về nhà đi, chiều tôi ra con mương gần nhà câu cũng nhiều lắm". Nói là làm, anh Tư Kềnh kiếm bao nilon, trút hết giỏ cá vào dúi vào tay cô Liên. Cô Liên vui lắm, không quên cảm ơn rồi quay đi vội vã. Anh Tư Kềnh thu dọn cần câu, trong người lâng lâng như thể trên mây, về đến nhà thấy má ngồi tựa cửa hỏi: "Cá đâu rồi con?". Anh Tư Kềnh làm bộ gãi đầu gãi tai bảo: "Bữa nay xui quá, chẳng có con nào má à". Má thở dài: "Vậy thôi má con mình chịu khó ăn canh suông nha, bữa mai má đi chợ, kiếm đồng mua thịt cho con ăn".
Anh Tư Kềnh ráng lắm cũng chẳng nuốt trôi hết chén cơm, như mọi bữa thấy má rầu rĩ vì cảnh nghèo cơ cực anh đã bàn tính với má cho anh lên thành phố, đi theo mấy thằng bạn cùng quê đang làm thuê trên đó, có đồng ra đồng vào, chứ ở quê thế này, quanh ra quẩn vào làm mướn hoài không đủ sống, nói gì lo cho má. Nhưng bây giờ, anh chẳng muốn đi đâu cả, đầu óc anh lỡ tơ tưởng đến người ta rồi, có người giữ chân anh rồi còn đâu.
Cả trưa anh không ngủ được, nhìn mưa trắng xóa bờ lau xanh ngút mắt trước nhà, cả bầu trời u ám, rầu thúi ruột. Nhỏm dậy lấy cần câu ở góc nhà, anh tính ra bờ mương gần nhà, nhưng thế nào mà anh lại cứ đội mưa đến bờ kênh nhà cô Liên, rồi ngồi đúng vị trí buổi sáng đó. Trời mưa dầm dề, anh Tư khoác cái áo mưa rách tả tơi, khom rom câu, chắc lũ cá đã bị đánh động, nên tản đi đâu hết, anh câu mãi mới được có gần chục con, Cả chiều chẳng thấy bóng cô Liên đâu, anh thấp thỏm ngó quanh, rồi ráng chờ thêm mà chỉ thấy bầu không gian hiu hắt và quạnh vắng. Thất vọng, anh Tư về nhà, vừa kịp cởi giổ cá ra khỏi người đã thấy trán nóng hầm hập. Má anh cuống quít, vừa trách vừa lấy khăn ướt đắp lên trán anh mà chửi: "Con không nghe lời má, giờ đau ốm ra đấy, còn làm chi được?"
Má biết anh không bệnh thì thôi, chứ mà bệnh thì nặng lắm, cả tuần mới chịu khỏi. Má lụi cụi nấu cháo, mấy con cá lòng tong khẳng khiu kho quẹt trộn chung với cháo cho anh. Anh vừa bưng tô cháo vừa rưng rưng nước mắt, tính nói gì đó với má, rồi thôi. Má xoa lưng anh: "Con tính chừng nào cưới vợ, má như trái chuối chín cây chẳng biết khi nào rụng, con chưa cưới vợ, má chưa yên lòng".
Anh Tư Kềnh ướm lời: "Má thấy trong xóm, ai hợp ý cùng con nhất?".
Má lắc lắc đầu. Anh liều mạng hỏi: "Má thấy cô Liên được không má?". Má chép miệng: "Con nhỏ đó đẹp nhất xóm, con làm sao với được?". Anh cười hì hì: "Con thương cô ấy đâu phải vì cô ấy đẹp đâu?". Anh tính thú nhận với má vụ cho cô Liên giỏ cá lòng tong, cô Liên đã nhận, có nghĩa cô cũng ưng anh đó chứ, nhưng rồi lại thôi. Má bảo: "Má còn một chỉ vàng dành dụm được, con ưng ai má đi mua trầu cau sang dạm hỏi người ta".
Thì ra má đã ấp ủ chuyện trăm năm cho anh từ lâu. Anh Tư Kềnh ngoan ngoãn húp hết tô cháo nóng. Anh ước chi anh khỏe ngay lập tức, anh muốn cùng với má đi hỏi cưới cô Liên.
Thế mà cũng lạ, chỉ mấy bữa ăn cháo và uống vài viên thuốc cảm má mua ở tiệm thuốc tây ngoài chợ, anh Tư Kềnh lại khỏe re, lại ra vào cười chào khắp xóm. Đã thế, mấy người xóm trên cần người làm phụ hồ, trả công hậu hĩnh, gọi làm nên anh vui lắm. Làm được bao nhiêu, anh đưa má hết. Ai hỏi anh cũng trả lời tỉnh queo: "Để dành tiền cưới vợ". Chuyện đến tai đám con gái mới lớn trong xóm, thi thoảng gặp anh chúng lại xí xọn hỏi: "Anh Tư Kềnh cưới vợ thật hả? Ai lọt mắt xanh anh Tư thế?". Anh Tư vênh mặt vắt hai cánh tay gân guốc đen nhẻm ra sau lưng không đáp lời, nghĩ bụng: "Không phải các cô là được rồi!".
Mấy bữa chẳng thấy cô Liên đâu, anh tính xin cô một cuộc hẹn mà sao khó quá, thế là tối tối, anh núp sau đám cây trước cổng nhà cô, rồi trời cũng thương khi anh thấy cô Liên từ con hẻm lớn bước vô, hôm nay trông cô Liên lạ quá, tóc cắt ngắn, ép thẳng lừ. Miệng tô son đỏ chót, từ xa đã thấy mùi dầu thơm phảng phất. Anh dụi mắt tưởng mình nhìn lầm. Vừa thấy anh Tư, cô Liên cười rất tươi: "Tối thế này mà anh Tư cũng đi câu cá hay sao?".
Anh Tư Kềnh cuống quít cả tay chân, miệng líu ríu chẳng nói nên lời, những gì tính nói lại bay đi đâu hết. Rồi anh nhìn ra theo sau lưng cô Liên là một người đàn ông cao to, mắt ti hí, ông ta nói gì đó mà anh không hiểu. Hai người nắm tay nhau đi thẳng vào nhà. Anh Tư Kềnh ngớ người, anh chổng mông nhòm qua khe cửa nhà cô nhưng chẳng thấy gì...
Tin cô Liên sắp lấy chồng Đài Loan lan đi khắp xóm. Đàn ông con trai lại được dịp rủ nhau nhậu nhẹt giải sầu vì con gái mới lớn trong xóm có tí nhan sắc, trước sau gì cũng đi lấy chồng ngoại hết. Anh Tư có lẽ là người biết tin cuối cùng, vì sau bữa gặp cô Liên và người đàn ông lạ mặt, anh trở bệnh lại. Anh Tư nằm thừ người, vắt tay lên trán, buồn đến nỗi nước mắt chảy ra không sao ngăn được. Mấy thằng bạn anh ở thành phố về lần nào cũng kể cho anh nghe mấy vụ cô dâu tự tử hay bị giết chết ở xứ người mà báo chí đăng đầy nhan nhản, chẳng hay cô Liên có biết không, mà cô vẫn chịu làm dâu xa xứ?
Ngày đám cưới cô Liên, anh Tư Kềnh thắc thỏm giữa đám đông lố nhố, anh cầu trời mình đang ngủ mơ, chỉ đến khi chứng kiến cảnh ông mắt hí trao chiếc kiềng cổ vàng chóe lên cổ cô Liên, anh mới giật mình sực tỉnh. Anh mon men mãi quanh nhà cô, rồi đưa tay vẫy vẫy, lúc đó cô Liên mới nhận ra anh hàng xóm tốt bụng, từng cho cô cả giỏ cá lòng tong hôm bữa. Đúng lúc cô Liên váy áo xúng xính lộng lẫy tiến đến gần anh, trời xui đất khiến thế nào, anh Tư liều níu lấy tay cô, thì thào: "Cô Liên qua bên bển, lỡ có chuyện gì thì về lại xóm Đôi cô nhé, tôi đợi!". Cô Liên nghe câu được câu chăng, nhưng anh Tư thấy hai hàng nước mắt cô chảy xuống. Không biết cô cảm động vì lời anh Tư nói, hay cô bắt đầu nhận ra mình sắp phải xa miền quê sông nước thân thương mà chưa biết bao giờ trở lại...
Cũng từ đó, mỗi mùa nước nổi, người ta không còn thấy bóng anh Tư Kềnh ra bờ kênh nhà cô Liên câu cá lòng tong nữa…