Vốn ít được biết đến do phạm vi lây lan hạn hẹp, song hiện tại, virus Oropouche gây ra hơn 8.000 ca nhiễm tại 5 quốc gia chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, trong đó có 2 trường hợp tử vong được ghi nhận.
Sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm virus Oropouche khiến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ phát cảnh báo y tế cho các bác sĩ trong nước. Trong khi đó, châu Âu cũng phát hiện những trường hợp đầu tiên mắc loại virus này hồi tháng 6 và tháng 7, ở những người từng đến Brazil và Cuba.
Đặc điểm và cách lây lan
Oropouche là một loại virus đặc hữu của vùng rừng Amazon ở Nam Mỹ. Virus này đa phần gây bệnh ở người nhưng cũng được tìm thấy ở các loài khỉ rú, khỉ đuôi sóc, lười cùng một số loài côn trùng .
Virus Oropouche chủ yếu lây qua vết cắn của các loại côn trùng như muỗi vằn, muỗi Culex và muỗi Ochlerotatus serratus. Cho đến nay chưa phát hiện trường hợp virus lây truyền trực tiếp từ người sang người.
Khi đã ngấm vào máu, Oropouche mang theo một phân tử RNA được bảo vệ bởi một lớp vỏ protein, giúp chúng vượt qua các thực bào của hệ miễn dịch để nhanh chóng lây lan khắp cơ thể. Thậm chí, virus còn có thể vượt qua hàng rào máu não để xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương.
Nguồn gốc và nguyên nhân bùng phát
Oropouche được đặt theo tên một ngôi làng ở Trinidad & Tobago, nơi ca nhiễm đầu tiên của loại virus này được ghi nhận vào năm 1955. Ban đầu, virus Oropouche chỉ phổ biến ở khu vực rừng Amazon, nhưng từ cuối năm 2023, chúng bắt đầu lây lan sang các khu vực khác.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tổng cộng 8.078 ca nhiễm virus Oropouche từ 1/1 đến 20/7/2024. Phần lớn trong số này đến từ Brazil, với 7.284 ca nhiễm và 2 trường hợp tử vong.
Điều đáng lo ngại hơn cả đối với giới chức y tế là ngày càng nhiều ca nhiễm virus Oropouche xuất hiện ở những nơi ngoài vùng rừng Amazon. Một số phân tích từ các ổ dịch mới nhất phát hiện những xáo trộn trong mã gene của loại virus này, khiến chúng có thể tự sản sinh và nhân bản nhiều hơn sau khi lây lan vào các tế bào cơ thể người.
Các nhà khoa học cũng tin rằng, tình trạng đô thị hóa gia tăng ở những nơi từng là rừng, cùng những tác động của biến đổi khí hậu, làm tăng môi trường sống của các vật trung gian truyền virus Oropouche, qua đó gia tăng phạm vi lây nhiễm của chúng
Triệu chứng và mức độ nguy hiểm
Virus Oropouche gây ra các cơn sốt giống với bệnh cúm ở người nhiễm, cùng các triệu chứng như đau đầu, nhức cơ, cứng khớp, buồn nôn, ớn lạnh, nhạy cảm với ánh sáng và nôn mửa. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể gây viêm màng não và tử vong.
Thậm chí, Bộ Y tế Brazil còn cho rằng virus Oropouche này có thể lây truyền từ mẹ bầu sang thai nhi, khi dẫn thông tin về 1 ca chết non, 1 ca sảy thai và 4 trường hợp trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ đều bị nghi liên quan đến virus này.
Tuy nhiên, tác động của virus Oropouche đối với thai kỳ và thai nhi vẫn chưa được xác minh chính thức và còn được điều tra.
Điều trị và phòng ngừa
Hiện tại, chưa có phương pháp đặc trị nào đối với người nhiễm virus Oropouche. Bên cạnh đó, các loại vaccine phòng virus Oropouche mới chỉ được thử nghiệm trên động vật và chưa được xem là có hiệu quả đối với người.
Vì vậy, cách tốt nhất để tự bảo vệ khỏi virus Oropouche là tránh bị nhiễm virus từ muỗi hoặc các vật trung gian truyền nhiễm khác. Các cơ quan y tế đều khuyến cáo việc lắp lưới mắt nhỏ ở cửa ra vào và cửa sổ nhà để ngăn các loại muỗi mang virus.
Ngoài ra, mặc quần áo dài tay/chân và sử dụng thuốc đuổi côn trùng cũng được xem là phương pháp bảo vệ khỏi virus Oropouche. Người bị nhiễm virus được khuyên dùng thuốc đuổi côn trùng để giảm khả năng bị côn trùng cắn, từ đó lây truyền virus Oropouche sang người khác.