Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỗi tuần một cuốn sách: “Mùi của cố hương”

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tác giả Nguyễn Quốc Vương - một nghiên cứu sinh Việt Nam du học tại Nhật Bản tâm sự: “Khi bắt đầu nếm trải cuộc sống tha hương, có hai thứ mùi khiến tôi nhớ nhà da diết: Mùi khói bếp và mùi hành”. Cảm giác nhớ nhà da diết đó đã khiến anh cho ra mắt tập tản văn “Mùi của cố hương”.

Tác phẩm tập hợp các bài viết về những kỷ niệm thời thơ ấu, những niềm vui, nỗi buồn, những trải nghiệm của riêng tác giả, cũng có thể là trải nghiệm chung của rất nhiều người, những người có tuổi thơ ở làng quê nhưng sau đó lại phiêu dạt nơi TP. Đó là những câu chuyện về Trò nghịch dại, Tết ngày xưa, hoặc Đom đóm ngậm ngùi… “Mùi của cố hương” dành cho những ai đang tạm xa đất nước, hay cả cho những người vốn yêu quý những nét đẹp thân thương của quê nhà.
 
“Hồi còn học ở gần Kyoto, mỗi buổi chiều tôi thường đi bộ một mình ngắm cánh đồng ở gần trường. Ngoại trừ những chiếc ô tô đậu trên cánh đồng, khung cảnh ở đây khá giống với cố hương. Cũng cánh đồng hẹp bị vây bọc bởi những ngọn núi thấp, những ruộng lúa, ruộng rau nối tiếp nhau và bao quanh là mương nước chảy. Mùa Đông, thi thoảng trên đường tản bộ tôi lại gặp vài đống dấm bốc khói. Những người nông dân Nhật đốt cỏ để làm sạch ruộng. Mùi khói làm tôi cay xè nơi sống mũi. Tôi nhớ căn bếp đầy bồ hóng và những cột nhà ám khói của mẹ” – Nguyễn Quốc Vương tâm sự như vậy về quãng thời gian xa quê hương.

Nguyễn Quốc Vương là giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội; tuy nhiên từ năm 2004 đến nay, anh đang làm nghiên cứu sinh ngành Giáo dục lịch sử tại Đại học Kanazawa (Nhật Bản).