Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

"Món nợ khí hậu khổng lồ" giữa các nước giàu và nghèo

Việt Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều nước trên thế giới mong muốn huy động nguồn tài chính đủ lớn để ứng phó với biến đổi khí hậu, song khoảng cách giữa nhu cầu của các nước đang phát triển và khả năng hỗ trợ từ các nước phát triển còn rất lớn.

Tại cuộc đàm phán khí hậu COP29 đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan), tâm điểm của mọi cuộc thảo luận nằm ở việc đề ra một khoản tiền mới để các quốc gia đang phát triển có thể chuyển đổi sang năng lượng sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và đối phó với thiên tai.

Tuy nhiên, mục tiêu 100 tỷ USD/năm được đặt ra từ năm 2009 đã không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Các chuyên gia đánh giá con số thực tế đã rơi vào khoảng 1 nghìn tỷ USD, trong khi lãnh đạo các quốc gia đang phát triển cho rằng họ cần tới 1,3 nghìn tỷ USD để đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đòn bẩy “bấp bênh” từ các nước lớn

Tại Baku, các nhà đàm phán đang tập chung vào 3 vấn đề chính: quy mô tổng thể của gói tài chính, tỷ lệ phân bổ giữa các hình thức tài trợ khác nhau, và trách nhiệm đóng góp của các bên.

Theo Yalchin Rafiyev - nhà đàm phán chính của COP29, các yếu tố trên có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và việc đạt được giải pháp cho một yếu tố có thể tạo động lực cho việc giải quyết các yếu tố còn lại. Điều này giống như việc phải tìm ra và hất đổ quân domino đầu tiên mới khiến các quân domino khác đổ theo.

Các nước phát triển vẫn chưa đưa ra cam kết cụ thể về số tiền họ có thể đóng góp. Theo các chuyên gia, Liên minh châu Âu có thể cam kết hỗ trợ từ 200 đến 300 tỷ USD mỗi năm, trong khi Luca Bergamaschi - đồng sáng lập và giám đốc tổ chức tư vấn ECCO, cho biết con số này thậm chí có thể lên tới 400 tỷ USD.

Avinash Persaud - cố vấn về khí hậu của Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, nhận định số tiền trên cao hơn đáng kể so với mục tiêu hiện tại, nhưng vẫn còn xa mới đáp ứng được nhu cầu thực tế, “bởi giữa 200 tỷ USD và 1,3 nghìn tỷ USD là một sự khác biệt lớn”.

Hình minh họa: Axios
Hình minh họa: Axios

Để thu hẹp khoảng cách trên, các nước phát triển đang đề xuất sử dụng cơ chế đòn bẩy tài chính. Theo đó, mỗi đồng USD đầu tư ban đầu có thể được nhân lên thành 6-16 USD thông qua các khoản vay và đầu tư tư nhân. Đây được xem như một giải pháp tiềm năng để huy động nguồn lực lớn hơn cho các dự án khí hậu.

Tuy nhiên, các nước đang phát triển bày tỏ lo ngại về việc phụ thuộc quá nhiều vào các khoản vay. Theo Michai Robertson, nhà đàm phán của Liên minh các đảo quốc nhỏ, điều này có thể làm trầm trọng thêm gánh nặng nợ nần vốn đã rất lớn của các nước nghèo. Bên cạnh đó, khi nói đến việc hỗ trợ các quốc gia nghèo chịu nhiều thiệt hại do biến đổi khí hậu, thì đòn bẩy tài chính này tỏ ra không hiệu quả do không có đầu tư và các khoản vay.

Liên minh này đề xuất trong tổng số 1,3 nghìn tỷ USD cần thiết, chỉ nên có khoảng 400 tỷ USD dưới dạng các khoản vay có đòn bẩy, phần còn lại nên là các khoản tài trợ không hoàn lại hoặc vay ưu đãi dài hạn.

Trong khi đó, Bộ trưởng nhiều nước đã đưa ra những tuyên bố đanh thép. Bộ trưởng Môi trường CH Ireland Eamon Ryan nhấn mạnh sẽ là điều "không thể tha thứ" nếu các nước phát triển rời khỏi bàn đàm phán mà không đưa ra được cam kết chắc chắn với các nước đang phát triển.

Về phần mình, Bộ trưởng Môi trường Gambia Rohey John cho rằng việc thiếu cam kết tài chính từ các nước giàu thể hiện tâm lý thiếu quan tâm đến sự phát triển của phần còn lại của nhân loại. Bộ trưởng Môi trường Cuba Armando Rodriguez Batista cũng kêu gọi các quốc gia không "ủng hộ cái chết hơn sự sống".

"Con cái, người già, phụ nữ, trẻ em gái, người bản địa, thanh niên của chúng ta xứng đáng được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn", Joyelle Clarke - Bộ trưởng Khí hậu đảo quốc St. Kitts và Nevis tuyên bố. "Chúng ta hãy để khát vọng về điều tốt đẹp hơn chiếm hữu chúng ta".

Thông điệp "bất ổn" từ G20

Một tín hiệu tích cực là nhóm G20, bao gồm 20 nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, đã đưa ra tuyên bố ủng hộ việc tăng cường viện trợ tài chính cho việc ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng các cơ chế tài chính mang tính đòn bẩy.

“Các nhà lãnh đạo G20 đã gửi một thông điệp rõ ràng tới các nhà đàm phán của họ tại COP29: đừng rời Baku mà không có một mục tiêu tài chính mới thành công”, Simon Stiell - thư ký điều hành Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, khẳng định.

“Đây là một tín hiệu thiết yếu, trong một thế giới đang bị tàn phá bởi các cuộc khủng hoảng nợ và tác động khí hậu ngày càng tăng, gây hủy hoại cuộc sống, làm gián đoạn chuỗi cung ứng và thổi bùng lạm phát trong mọi nền kinh tế”, ông Stiell nói thêm, theo kênh PBS News.

Tuy nhiên, giới phân tích và các nhà hoạt động vẫn bày tỏ lo lắng vì tuyên bố của G20 không nhắc lại lời kêu gọi chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch, vốn đạt được một sự nhượng bộ khó khăn trong các cuộc đàm phán về khí hậu năm ngoái.

Ngoài ra, để đạt được thỏa thuận cuối cùng, các bên vẫn cần nỗ lực rất nhiều trong việc thu hẹp khoảng cách giữa nhu cầu và khả năng, đồng thời xây dựng một cơ chế tài chính công bằng và hiệu quả.

Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen nhận định, dù đòn bẩy tài chính sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng các khoản tài trợ không hoàn lại và xóa nợ cũng cần được xem xét như những phần không thể thiếu của giải pháp tổng thể.

Theo ông Andersen, chỉ khi có sự kết hợp hài hòa giữa các hình thức hỗ trợ tài chính khác nhau, cộng đồng quốc tế mới có thể huy động đủ nguồn lực cần thiết để ứng phó hiệu quả với thách thức biến đổi khí hậu toàn cầu.