Mong hết chuyện lùm xùm đóng tiền học đầu năm

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cứ mỗi đầu năm học mới, chuyện nơi này, nơi nọ lại “dậy sóng” chuyện đóng học phí.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều khoản thu mơ hồ kiểu “tiền mua ghế ngồi”, tiền “chọn giáo viên chủ nhiệm”… khiến phụ huynh băn khoăn. Có nơi thu đến hai chục, ba chục khoản.

Ngay tại một huyện ngoại thành Hà Nội, nhiều phụ huynh tự hỏi: Tại sao con mình phải đóng tiền cho một phần mềm ứng dụng để được biết điểm, để được giao bài tập về nhà? Không lẽ con họ nếu không đóng tiền 150.000 đồng/em/1 năm học thì không được biết điểm, không được giao bài tập, không được nghe tình hình học tập con mình như thế nào hay sao?

Có phụ huynh còn đưa vấn đề xa hơn: Nếu phần mềm tiện ích như vậy sao bộ phận công nghệ thông tin của Nhà nước không thiết kế cho học sinh và giáo viên dùng miễn phí? Nếu mua ngoài thì sao không mua một lần mà trả tiền cho họ theo kiểu “con gà đẻ trứng vàng”, hết lứa học sinh này đến lứa học sinh khác phải trả tiền? Cả nước có hàng triệu học sinh, vậy số tiền phải trả hàng năm là bao nhiêu, nhiều năm là bao nhiêu?

Chủ trương của ngành Giáo dục là việc thu tiền phải minh bạch, trong quy định. Tuy nhiên, vẫn đang xảy ra ở nơi này, nơi nọ, việc nhà trường có những khoản thu không đáng.

Không phải gia đình nào cũng khá giả để đầu năm học chi mấy triệu đồng, thậm chí mười mấy triệu nếu có hai hay ba con đi học. Nhiều người lao động, đặc biệt là lao động tự do, lao động vùng nông thôn, kiếm mỗi tháng chỉ được một hay hai triệu đồng. Với họ, tiền học cho con là cả gánh nặng.
Nhà trường, thầy cô giáo nhiều khi cũng không muốn có những khoản thu này, nhưng như “phong trào” việc “lạm thu” vẫn xảy ra.

Trong giáo dục, việc truyền dạy về kiến thức là quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc truyền dạy về lẽ sống, văn hóa quan trọng không kém, thậm chí là hơn. Trong đó, khái niệm cơ bản nhất, cần trước hết nhất là bình đẳng.

Nhiều nước, điển hình như Phần Lan, việc học sinh học, nhà trường không biết các em xuất thân như thế nào, đều được tôn trọng như nhau. Các em, ngoài học kiến thức, được chú trọng dạy về văn hóa, đạo đức và kỹ năng sống. Do đó, cả quá trình học phổ thông, các em chỉ có một kỳ thi đánh giá năng lực; còn lại là các bài kiểm tra mà nhà trường và giáo viên không đề cao điểm.

Trẻ học giỏi hay học dốt không bị phân biệt (vì học giỏi Toán, Văn… không phải là năng lực duy nhất của mỗi người). Nhà nước đầu tư cho trường học ở bất cứ nơi đâu cũng như nhau.

Quay về chuyện nước ta, nên chăng để các khoản thu đầu năm rõ ràng, ngành Giáo dục có một quy định chung thống nhất trên cả nước, chí ít thì trên mỗi tỉnh, thành? Có như vậy, gia đình sẽ biết năm học này họ sẽ phải chuẩn bị bao nhiều tiền; nhà trường và giáo viên cũng “đỡ khổ” khi phải giải thích cho từng phụ huynh (nhiều người, nhiều ý) về các khoản thu. Khi đó, ban liên lạc phụ huynh không lo đến tiền bạc mà chỉ kết nối giúp nhà trường và phụ huynh hiểu nhau, hỗ trợ nhau tốt hơn.

Tuy nhiên, mong muốn sâu xa của phụ huynh chúng tôi là làm sao các em đi học không mất tiền, mọi khoản, nếu có thêm bữa ăn trưa miễn phí nữa càng tốt. Mong ước này có thể sẽ trở thành hiện thực lắm chứ, khi nước mình giàu thêm lên?

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần