Đây là thông tin được cộng đồng DN mong chờ, nếu được triển khai với toàn bộ nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN khi nền kinh tế vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.
Hai phương án giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% năm 2023
Trước đó, dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế VAT cho DN, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế VAT.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án giảm 2% thuế VAT năm 2023. Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất VAT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Bên cạnh lợi ích về số tiền được giảm, chính sách giảm thuế VAT cũng góp phần động viên khích lệ tinh thần cho DN cùng Chính phủ vượt qua khó khăn.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc
Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất VAT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Về thời gian thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành (dự kiến từ 1/7 đến hết ngày 31/12/2023).
Để có cơ sở báo cáo, Bộ Tài chính đề nghị Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị định 15 của Chính phủ. Đánh giá tác động số thu ngân sách theo 2 phương án nêu trên và đề xuất phương án giảm thuế VAT áp dụng cho năm 2023.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, việc Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất nhiều chính sách tài khóa hỗ trợ DN được cộng đồng DN và dư luận đánh giá cao. Bởi vì, ngành tài chính cũng gặp phải nhiều thách thức trong triển khai các nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước.
Những tháng đầu năm, thu ngân sách Nhà nước đang có hiện tượng sụt giảm đã minh chứng cho điều đó. “Thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục phối hợp đồng bộ, linh hoạt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò dẫn dắt, tiếp tục hỗ trợ miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí cho DN, người dân”- ông Ngân cho biết.
Giảm đồng loạt cho toàn bộ các mặt hàng
Đón nhận thông tin này, đại diện nhiều DN chia sẻ mong muốn nếu giảm thuế VAT thì giảm đồng loạt, khai thuế 10%, thêm cột giảm 2%. “Nếu giảm theo mặt hàng như năm 2022 thì sẽ khiến việc hoàn thiện sổ sách kế toán gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể những đơn vị set theo mặt hàng, nhiều mặt hàng mỗi lần thay đổi, mất rất nhiều thời gian, công sức và cả chi phí thực hiện các thủ tục kế toán cho DN”- Nguyễn Thùy Linh- một kế toán bình luận trong một Group của Cộng đồng Kế toán.
Thực tế, trước đó, trong năm 2022, chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã giúp các DN, người dân giảm bớt một phần khó khăn về kinh tế, đồng thời tạo đà phục hồi trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc phải lập hóa đơn riêng, một số ý kiến cho biết gặp khó trong việc rà soát đối chiếu, kiểm tra hàng hóa nào được giảm thuế.
Nhiều DN cũng cho hay, việc chỉ giảm thuế VAT theo mặt hàng khiến kế toán rất rối, dễ bị nhầm lẫn khi tìm phụ lục, mã HS, mã ngành theo quy định.
Cũng có nhiều ý kiến mong muốn về việc áp dụng giảm thuế thu nhập DN để cộng đồng kế toán bớt rối. Tuy nhiên, mục đích giảm thuế VAT là cho người tiêu dùng cuối cùng để giảm giá thành sản phẩm. Còn giảm thuế thu nhập DN thì chỉ có các ông chủ DN là được hưởng lợi.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế VAT năm 2022 còn gặp một số khó khăn như khó phân biệt các dịch vụ không được giảm thuế. Đơn cử như sản phẩm cơ khí và một số sản phẩm khác.
DN gặp khó khăn trong vấn đề xác định các thuế suất được giảm để xuất hóa đơn đúng theo quy định.
Bên cạnh đó, năm 2022, chính sách giảm thuế VAT loại trừ các hoạt động liên quan đến bất động sản. Tuy nhiên, gần đây, thị trường bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. “Do đó, việc xử lý, mở rộng đối tượng giảm thuế VAT cho tất cả mặt hàng là cần thiết và phù hợp.
Vì vậy, quan điểm của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam thiên về phương án giảm toàn bộ thuế VAT 2% đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10%”- bà Cúc cho biết.
Với phương án giảm thuế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong quá trình thực hiện, không gặp khó khăn khi phân biệt thuế suất đối với hàng hóa dịch vụ có thuế suất khác nhau được giảm và không được giảm; giảm thiểu các trường hợp sai sót viết hóa đơn chứng từ, điều chỉnh hóa đơn chứng từ.
Mặt khác, thời điểm đề xuất giảm thuế VAT năm 2023 là ngắn hơn năm 2022 nên việc giảm toàn bộ cho các mặt hàng đang áp dụng thuế suất 10% xuống 8%, ngoài việc tạo thuận lợi còn là cú hích cho DN vượt qua khó khăn.