Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong muốn xem xét tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, từ ngày 1/7/2022 thực hiện tăng lương tối thiểu tháng (từ 180.000 đồng đến 260.000 đồng, tùy theo từng vùng) và áp dụng lương tối thiểu giờ.

Cụ thể, lương tối thiểu tháng, vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu giờ, vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Các chuyên gia lao động đánh giá, lương tối thiểu vùng tăng đã góp một phần nâng tiền lương thực tế cũng như là thu nhập nói chung của người lao động. Trao đổi về việc này, TS. Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu vùng là mức sàn thấp nhất làm cơ sở để hai bên (người sử dụng lao động và DN) thương lượng tiền lương thực tế.

Các chuyên gia và người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Ảnh: Phạm Hùng
Các chuyên gia và người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Ảnh: Phạm Hùng

Khi lương tối thiểu vùng tăng thì sẽ thuận lợi trong các đàm phán mức lương thực tế, tạo điều kiện để người lao động được tăng lương hơn. Bên cạnh đó, có nhiều chế độ chính sách của DN, ngành bảo hiểm xã hội, trợ cấp của Nhà nước sẽ tăng theo lương tối thiểu vùng.

Như vậy, tổng thu nhập của người lao động tăng đáng kể hơn so với lương tối thiểu vùng.

“Khi tăng lương tối thiểu vùng, mỗi tháng tôi được thêm 500.000 đồng để mua xăng và thêm tiền để đóng học cho con” - chị Hà Thị Phương Anh - Chủ tịch Công đoàn Công ty May Liên doanh Plummy chia sẻ.

Mặc dù chỉ số lạm phát chung của nền kinh tế ở mức độ bình thường nhưng một loạt mặt hàng thiết yếu đối với công nhân, người lao động sử dụng nhiều lại tăng cao khi tăng lương. Nhất là từ ngày 1/7/2023 lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng/tháng có thể sẽ dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

Vì vậy, chị Phương Anh và nhiều người lao động mong muốn mỗi năm được tăng lương tối thiểu vùng một lần. Theo TS Vũ Minh Tiến, năm 2023 dự kiến năng suất lao động tăng 5 - 6%; giá cả mặt hàng thiết yếu công nhân sử dụng hằng ngày tăng cao; duy trì tỷ lệ thất nghiệp vượt ngưỡng mong đợi, 6 tháng đầu năm 2023 là 2,7%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,39%) thì hoàn toàn có thể nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 cho người lao động.

Trước băn khoăn về việc nhiều người lao động đang bị mất việc làm do DN thiếu đơn hàng, vậy tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 có phù hợp, ông Tiến phản hồi: những người bị mất việc không chịu tác động trực tiếp của tiền lương tối thiểu vùng mà có các chính sách trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề.

Mức lương tối thiểu vùng như hiện tại không đáp ứng được các nhu cầu sống trong thực tế. Điều này sẽ khiến cho người lao động không thể toàn tâm, toàn ý vào công việc, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và năng suất lao động.

Từ quan điểm này, TS Bùi Sỹ Lợi - chuyên gia cao cấp của Bộ LĐTB&XH, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho rằng, việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu bốn vùng cần phải được tiến hành khẩn trương, tuân thủ theo nguyên tắc của Bộ luật Lao động.

Trao đổi về câu chuyện tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho rằng các chuyên gia cần phải có đánh giá việc tăng lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP thực hiện từ ngày 1/7/2022 có tác động thế nào đến đời sống người lao động.

Điều quan trọng nhất là tăng lương ở DN thì gắn với năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; thị trường lao động giữa cung và cầu; khả năng chi trả của DN. Rồi, thị trường lao động quý I và II năm 2023 có 500.000 người lao động bị mất việc, DN gặp thách thức lớn.

“Cần phải tính khía cạnh của thị trường, DN, quan điểm của Nhà nước để từ đó xem xét việc có tăng lương tối thiểu vùng hay không; nếu tăng lương thì ở mức nào. Cố gắng thực hiện tăng lương từ đầu năm tài chính để DN còn chuẩn bị và đưa vào kế hoạch thực hiện” - ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.